“Mổ xẻ” công tác tổ chức và quản lý lễ hội

“Mổ xẻ” công tác tổ chức và quản lý lễ hội

Nhiều vấn đề xung quanh việc quản lý, đổi mới trong lễ hội như lễ hội hiện có tràn lan hay không; có gây tốn kém và lãng phí hay không; các lễ hội có mang tính thương mại hóa hoặc chính trị hóa hay không; đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Với mong muốn tạo bước chuyển biến trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, ngày 15-6, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội nghị đánh giá và đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.

Lễ hội tràn lan hay hội chứng festival?

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hiện đang có quá nhiều lễ hội được tổ chức, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của nhân dân. Điều đặc biệt, các lễ hội đều không chỉ giống nhau ở kịch bản, mà còn giống về vệ sinh môi trường kém, giá cả dịch vụ cao và việc buôn thần, bán thánh diễn ra khá phổ biến.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, lễ hội dân gian thường gắn với một địa phương cụ thể, nó có đặc trưng riêng về mặt văn hóa tâm linh. Vì thế mọi so sánh nhiều hay ít sẽ là khập khiễng nếu chỉ đưa ra con số thống kê lễ hội dân gian trong một năm mà không đưa ra số liệu các làng xã trên cả nước.

Đoàn rước lễ vật cùng các đồng chí lãnh đạo TP và các đại biểu, nhân dân trong ngày giỗ Tổ tại Công viên Văn hóa các dân tộc. Ảnh: A.D.

Đoàn rước lễ vật cùng các đồng chí lãnh đạo TP và các đại biểu, nhân dân trong ngày giỗ Tổ tại Công viên Văn hóa các dân tộc. Ảnh: A.D.

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, không có chuyện các lễ hội hiện nay được tổ chức tràn lan, bởi trong số khoảng 8.000 lễ hội trong cả nước thì số lễ hội dân gian chiếm đến gần 90%. Loại hình lễ hội này vốn có truyền thống từ lâu đời, được tổ chức theo nhu cầu của nhân dân, cần phải được tôn trọng, bảo tồn. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện với tần suất cao các lễ hội mới như các festival, ngày hội văn hóa các vùng miền... được tổ chức liên tục tại nhiều địa phương, sự nhầm lẫn giữa các khái niệm đã dẫn đến dư luận cho rằng các lễ hội hiện được tổ chức tràn lan.

Cùng quan điểm này, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế, ông Phạm Việt Dũng cũng cho rằng, các địa phương không nên coi lễ hội chỉ đơn thuần biểu diễn nghệ thuật thuần túy mà quan trọng hơn cả là phải triển khai cho được các nghi lễ mang tính truyền thống, có sự tham gia của cộng đồng.

Không thể phủ nhận vai trò lớn trong việc thu hút khách du lịch, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa của người dân sở tại, song chính sự xuất hiện ồ ạt loại hình này khiến chúng nhanh chóng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, muốn tổ chức festival tốt cần có cái nhìn thị trường, chuyên nghiệp hóa và cơ sở hạ tầng tốt. Song cả ba khâu này đều mới ở Việt Nam, vì thế việc xuất hiện của 18 festival trong 6 tháng đầu năm 2010 và dự kiến sẽ có 6 festival nữa được tổ chức vào quý 3 năm 2010 đã làm bức tranh lễ hội trở nên phức tạp hơn.

Sẽ không phát ấn đền Trần - Nam Định?

Số liệu thống kê cho thấy cả nước có 7.966 lễ hội trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài...

Có nên duy trì hình thức phát ấn đền Trần, việc đốt vàng mã tại phủ Giầy (Nam Định) hay xin lộc, hóa vàng mã tại đền thờ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… vấn đề được coi là rất nhạy cảm này được Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đưa ra đã ngay lập tức tạo thành điểm nóng của hội nghị.
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, người đã tận mắt chứng kiến cảnh chen lấn xô đẩy tại lễ hội phát ấn đền Trần - Nam Định, thì cần lập tức chấn chỉnh các hoạt động phát ấn hiện đang diễn ra tại đây, bởi lẽ cảnh đó “thật thảm hại”- ông thốt lên.

Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Vũ Xuân Thành cũng cho rằng, cần phải xem xét lại quy trình tổ chức lễ hội, nên chăng thay vì phát ấn như hiện nay thì chỉ cần thực hiện nghi lễ khai ấn nghiêm trang, sau đó đem bản in duy nhất đó vào dâng lên bàn thờ trong đền để người dân có thể vào hành lễ, nhằm tránh các hoạt động vụ lợi và cũng là lành mạnh hóa lễ hội. TS Nguyễn Chí Bền thì không hoàn toàn đồng nhất với quan điểm này, ông cho rằng không thể can thiệp quá sâu vào việc lễ hội của người dân.

Song ông cũng đồng tình quan điểm cho rằng, thay vì việc tạo ra đặc quyền của một số người được tham gia, chứng kiến việc khai ấn như hiện nay, nên tổ chức việc phát ấn cho mọi người dân có nhu cầu xin ấn để cầu may, không phân biệt tuổi tác, chức vị. Thêm nữa, thay vì việc bán thu tiền, ấn sẽ được phát miễn phí, ông Bền đề xuất. Giám đốc Sở VH-TT-DL Nam Định, ông Nguyễn Văn Xuân lại cho rằng, những thông tin về việc lộn xộn tại lễ hội khai ấn đền Trần trong năm 2010 vừa qua có nhiều phần chưa đúng sự thật. Ông khẳng định, việc khai ấn đền Trần đã tạo được thương hiệu, tục lệ truyền thống và là nhu cầu của người dân Nam Định, do đó ông không thể có ý kiến về việc dừng hay tiếp tục triển khai việc này.

Cũng như lễ hội khai ấn đền Trần, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải trả lễ hội về cho dân, các quan chức đi lễ với tư cách người bình thường. Tại đây, nhiều vấn đề muôn thuở của lễ hội cũng được các đại biểu quan tâm như quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu, đốt vàng mã… cũng được bàn thảo, song vẫn chưa có một quyết định rốt ráo nào được đưa ra. Hy vọng rằng cùng với sự thẳng thắn, không ngần ngại nhìn nhận những mặt tiêu cực của cơ quan quản lý, chúng ta sẽ sớm có văn bản thông tư quản lý lễ hội gần gũi hơn với thực tế.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục