MobiFone “đánh bẫy” khách hàng

LTS: Báo SGGP ngày 23-12-2015 có đăng bài “MobiFone cũng... cho vay nặng lãi”, phản ánh việc mập mờ trong mức thu phí ứng tiền. Tiếp đó, đường dây nóng Báo SGGP tiếp nhận thêm một số ý kiến phản ánh về cách tận thu qua mặt khách hàng của MobiFone.

Tôi là chủ thuê bao số điện thoại 0903331908, xin phản ánh sự việc như sau: Khi tôi về quê ngày 17-10-2015, vì không có wifi nên tôi đã đăng ký dịch vụ D5 (dịch vụ 3G 5.000 đồng/ngày). Kết thúc ngày hôm đó, tôi hủy dịch vụ và được MobiFone xác nhận hủy thành công. Sau đó, tôi trở lại TPHCM và hoàn toàn không hay biết mình đã bị “đánh bẫy” cước 3G. Tôi vẫn lướt vào Facebook, đọc báo, tải video vì cứ nghĩ đó là wifi nhà mình. Đến hết ngày 30-10-2015, nhà cúp điện nhưng tôi mở điện thoại vẫn thấy mạng chạy ào ào. Tôi gọi điện thắc mắc thì được nhân viên tổng đài trả lời tôi đã đăng ký 3G ngày 17-10-2015, cước phát sinh 3G trong 13 ngày là hơn 800.000 đồng. Tôi đến liên hệ cửa hàng MobiFone ở Thủ Đức thì các nhân viên tiếp tục trả lời: “Do anh đã đăng ký 3G và anh phải tự biết 3G đã mặc định trên sim. Anh không biết thì phải chịu chi phí phát sinh!”. Tôi hỏi: “Nếu tôi đăng ký thì tin nhắn đăng ký của tôi đâu? MobiFone xác nhận cho tôi khi nào? Tôi mua hàng gói D5, đã trả tiền và hủy dịch vụ, tại sao lại bị phát sinh dịch vụ mới?”. Nhân viên cửa hàng không trả lời được.

Đây là lần thứ hai tôi bị MobiFone “đánh bẫy”. Lần trước, tôi cũng bị MobiFone tự ý kích hoạt 3G khi tôi sắm smartphone mới, làm phát sinh hơn 1 triệu đồng cước 3G chỉ sau 5 ngày sử dụng. Hiện số thuê bao của MobiFone đã hơn 40 triệu đầu số, chỉ cần 1% số thuê báo đó “dính bẫy” thì MobiFone đã thu không biết bao nhiêu tiền bất chính. Việc MobiFone cố tình đánh bẫy, tận thu, móc túi khách hàng càng nhiều càng tốt là cách làm ăn rất đáng trách, cần phải kiểm tra, xử lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

HỒ BẠCH NHẬT
(quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục