
Tháng 5-1973, hai tổ chức Thành đoàn và Đoàn ủy trung Đại học trọng điểm được thống nhất thành Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Phạm Chánh Trực làm Bí thư. Lúc này, cơ quan chỉ đạo của Đoàn chuyển về vùng ven thuộc huyện Củ Chi, nhiều cán bộ Đoàn đã được cử về địa phương, tăng cường chỉ đạo công tác vận động thanh niên.
Trước ngày tổng tấn công, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo mỗi khu vực phải thành lập một Chi bộ Đảng. Lực lượng Thành đoàn chia thành 2 cánh quân. Cánh thứ nhất được phân công về các Đảng bộ quận huyện, làm mũi xung kích trong khởi nghĩa ở địa phương.

Các cán bộ Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh về thăm lại ngôi nhà số 115 Bàn Cờ, điểm chỉ huy khởi nghĩa.
Cánh thứ hai là bộ phận phụ trách phong trào công khai gồm 5 điểm khởi nghĩa trong nội thành: Bàn Cờ - Ngã Bảy - Vườn Chuối (quận 3); Cầu Bông - Đa Kao - Gia Định (quận 1); Cầu Kiệu - Phú Nhuận (quận Phú Nhuận); Khánh Hội - Vĩnh Hội (quận 4) và Tân Phú - Tân Sơn - Bà Quẹo (thuộc quận Tân Bình).
Với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, mọi hoạt động chuẩn bị được triển khai ráo riết. Các cán bộ đoàn viên phân công nhau mua vải đỏ, thuốc men, chuẩn bị lương thực, loa phóng thanh, giấy mực, máy quay ronéo để in ấn truyền đơn… Có nơi ta mua cả vũ khí của địch.
Ở khu vực Bàn Cờ - Ngã Bảy - Vườn Chuối, căn nhà số 115 Bàn Cờ là điểm chỉ huy, đoàn viên tự trang bị được 2 khẩu M.16, anh em đoàn viên Trường Kỹ thuật Cao Thắng tự chế tạo được thêm 4 khẩu súng. Để chuẩn bị đón quân giải phóng vào thành phố, các má, các chị phát động phong trào may cờ, may băng rôn cả ngày lẫn đêm. Khu vực Bà Quẹo - Bảy Hiền, các cơ sở Đoàn của ta tổ chức lớp học cắt may, ngày thì dạy, đêm may cờ Mặt trận và mở lớp cứu thương đồng thời thành lập đội cứu thương lưu động.
Các tổ cứu thương này đều có cơ sở lấy tin tức và liên lạc. Ngoài ra, còn có một tổ chức thanh niên vận động quần chúng. Các lực lượng của ta được sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức tôn giáo, từ tăng ni Phật tử đến các tu sĩ, các tín đồ Thiên Chúa giáo. Bọn địch làm sao ngờ được, bên trong những ngôi chùa, nhà thờ yên ắng, lặng lẽ lại là nơi che giấu và tổ chức kết nạp Đảng cho các chiến sĩ cách mạng; trong người những nhà sư, linh mục là nơi cất giấu nhiều thư từ, nghị quyết rất quan trọng; trong túi những bộ đồ rằn ri của các sĩ quan ngụy là hàng xấp truyền đơn, thư tín…
Ở khu vực Khánh Hội - Vĩnh Hội (quận 4), dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín), lực lượng đoàn viên cùng hàng trăm sinh viên các trường đại học y, nha, dược và học sinh trung học đã phối hợp chặt chẽ phát động quần chúng. Lực lượng của ta ém quân tại số 2 Lê Quốc Hưng. Nơi đây vốn là một ký nhi viện của chế độ cũ, người quản lý là cơ sở của ta nên việc chuẩn bị từ lương thực, thực phẩm, thuốc men đến nơi cất giấu các phương tiện in ấn được bố trí khá thuận lợi. Không khí chuẩn bị hết sức khẩn trương.
Các hoạt động tuyên truyền được tiến hành ráo riết. Ngày 28-4, các đoàn viên đã chuyền tay nhau bản in truyền đơn nội dung “Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định”, “Bảy điều chính sách binh vận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”. Công tác tuyên truyền vận động quần chúng còn đi sâu kêu gọi tự vệ, nhân viên, ngụy quân ngụy quyền nghỉ việc, làm binh biến tập thể để trở về với nhân dân đồng thời cảnh cáo những tên ác ôn, chỉ điểm.
Gần 9 giờ sáng ngày 30-4, chúng tôi nhận được chỉ đạo khởi nghĩa của đồng chí Năm Nghị (Phạm Chánh Trực). Ngay lập tức, hai cây cờ và hàng biểu ngữ thật lớn “Hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” được các đoàn viên giăng chắn ngang hai đầu đường Bàn Cờ. Đồng thời, lực lượng đoàn viên của ta rải truyền đơn, thu lượm vũ khí. Loa phóng thanh được treo trên nóc nhà 115 Bàn Cờ phát liên tục lời kêu gọi của “Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam”.
Người dân bắt đầu đổ ra đường, nhiều người dân chỉ những thanh niên vẫn thấy mặt mỗi ngày ở xóm không khỏi ngạc nhiên: “Tụi em là Việt cộng hả?”. Binh lính ngụy quy hàng và ra trình diện hàng loạt, các đoàn viên kê bàn ghế lập danh sách cụ thể từng người. Cùng với lực lượng tại chỗ, nhiều đoàn viên tịch thu vũ khí của lính Mỹ, chất đầy 2 căn nhà kề bên. Một nhóm khác may cờ với hàng chục dàn máy may của người dân chở đến. Trong phút chốc, hàng trăm rồi hàng ngàn cờ Mặt trận giải phóng tung bay phấp phới.
Cùng thời điểm này, tại khu vực Vĩnh Hội - Khánh Hội, hàng trăm sinh viên y, nha, dược với băng tay chữ thập đỏ đã rải truyền đơn khắp các tuyến đường. 10 giờ 30 phút, các đoàn viên thu được 1 chiếc xe Jeep do lính Mỹ bỏ chạy. Họ đã dùng xe này phát loa truyền tin chiến thắng và động viên người dân bình tĩnh sẵn sàng đón quân giải phóng. Nhìn gương mặt những thanh thiếu niên còn rất trẻ, nhiều người dân không giấu nổi sự xúc động nghẹn ngào. Bởi hôm qua họ còn là những sinh viên, học sinh trung học còn rất trẻ, hôm nay họ đã là những người chiến sĩ cách mạng.
(Theo lời kể của bà Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, quyền Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định)
MINH AN ghi