Mỏi mòn đợi sổ hồng

Mỏi mòn đợi sổ hồng

Bị giải tỏa nhà trong Dự án Đại lộ Đông – Tây, nhiều hộ dân được bố trí tái định cư tại lô D chung cư Phạm Viết Chánh (phường 19 quận Bình Thạnh, TPHCM). Những tưởng chuyển về nơi ở mới thì có thể an cư lạc nghiệp, thế nhưng nhiều năm qua người dân không thể yên tâm ổn định cuộc sống mới do không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (còn được gọi là sổ hồng) dù đã trả xong tiền.

Không sòng phẳng

“Theo hợp đồng ký kết vào tháng 6-2003 với Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh, vợ chồng tôi mua trả góp căn hộ số 0001 lô D chung cư Phạm Viết Chánh với số tiền hơn 479 triệu đồng. Đến nay, dù tiền mua nhà đã trả xong nhưng Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh vẫn chưa liên hệ các cơ quan chức năng làm thủ tục cấp sổ hồng cho chúng tôi như trong hợp đồng đã quy định. Người dân thanh toán tiền trễ hạn ghi trong hợp đồng thì bị cộng thêm lãi suất (theo lãi suất cho vay của ngân hàng) và bị phạt trả chậm, vậy còn đơn vị nhà nước không làm đúng nghĩa vụ cấp sổ hồng sau khi người dân trả hết tiền mua nhà thì có bị phạt không?”, chị Nguyễn Thị Kim Phượng bức xúc nói.

Một góc lô D chung cư Phạm Viết Chánh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một góc lô D chung cư Phạm Viết Chánh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tương tự là trường hợp gia đình chị Nghiêm Thị Kim Hằng. Chị kể: “Năm 2003 gia đình tôi được bố trí vào ở tại căn hộ số 0304 lô D. Trị giá căn hộ hơn 230 triệu đồng, trừ đi tiền đền bù căn nhà ở phường 13 quận 5 bị giải tỏa chuyển sang thì còn 88 triệu đồng. Đến hết năm 2006, chúng tôi đã trả hết số tiền mua trả góp căn hộ này. Vậy mà ba năm rưỡi rồi, chúng tôi vẫn chưa được cầm sổ hồng trong tay. Người ta mua xe chỉ vài triệu đồng còn có giấy tờ sở hữu, đằng này chúng tôi mua căn nhà trị giá vài trăm triệu đồng lại không có tờ giấy nào chứng minh tài sản đó là của mình. Nhà hợp pháp mình mua mà cứ như nhà ở chui, ở lậu!”.

Ngoài ra, theo nhiều hộ dân, sự thiếu sòng phẳng trong phương thức hành xử của đơn vị nhà nước còn được thể hiện qua việc tính toán lại giá trị căn hộ. Năm 2009, Trung tâm Đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM tiến hành đo vẽ lại diện tích các căn hộ làm cơ sở cho việc cấp sổ hồng. Tuy nhiên, những trường hợp nào diện tích phát sinh “nở” ra thì Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh (đơn vị được giao quản lý lô D chung cư Phạm Viết Chánh) yêu cầu phải đóng tiền cho đủ mới cấp bản vẽ, còn trường hợp nào diện tích căn hộ “teo” lại thì… công ty này lờ luôn.

Chẳng hạn, căn hộ số 0918 của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ sau khi đo lại thì dư gần 4m2 so với diện tích trong hợp đồng ký kết mua nhà ban đầu nên phải nộp thêm hơn 7 triệu đồng. Trong khi đó, chủ căn hộ số 0012 lại không hề nghe đả động gì đến việc sẽ được hoàn trả tiền đối với 5m2 bị hao hụt trong diện tích 90m2 mà mình đã trả đủ tiền để mua trước đây!

Chưa ai nhận trách nhiệm

Việc không được cấp sổ hồng đã khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, dù đã trả xong tiền mua nhà, trên danh nghĩa đã là chủ sở hữu nhưng không có sổ hồng thì người dân cũng không thể thế chấp, cầm cố căn hộ của mình để vay vốn ngân hàng. Còn những người vì nhu cầu nơi ở đã phải mua lại suất tái định cư từ người chủ cũ không đủ khả năng mua nhà trả góp (được “lách luật” dưới hình thức hai bên ký kết hợp đồng ủy quyền) thì cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười, vì dù họ muốn được đóng hết tiền trong hợp đồng thay cho người chủ cũ để đủ điều kiện được cấp sổ hồng cũng không được chấp nhận vì luật chưa cho phép.

Chưa kể có khi căn hộ được sang tay mấy lần, nay nếu muốn người chủ đầu tiên – người có tên trên hợp đồng mua bán nhà - ký với Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh đứng ra đóng tiền mua nhà và nhận bản vẽ thiết kế căn hộ thì người mua lại căn hộ sau cùng bị yêu cầu phải đưa thêm tiền. Cũng vì không yên tâm về quyền sở hữu của mình nên người dân không thể an cư lạc nghiệp.

Hiện nay, hơn 100 hộ dân ở lô D chung cư Phạm Viết Chánh (tính cả người trực tiếp được bố trí tái định cư lẫn người mua lại suất tái định cư) đang mỏi mòn chờ ngày được danh chính ngôn thuận làm chủ sở hữu tài sản của mình. Thế nhưng, tại cuộc họp tổ dân phố vào tối 29-5 vừa qua, trước vấn đề bức xúc mà người dân nêu ra, đại diện Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh – đơn vị tiếp nhận Công ty Quản lý nhà quận Bình Thạnh – đưa ra nguyên nhân việc chậm trễ làm thủ tục cấp sổ hồng là do chưa xác định được cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hồ sơ: Phòng Tài nguyên – Môi trường quận Bình Thạnh chỉ lên Sở Tài nguyên – Môi trường, còn nơi này lại bảo chức năng cấp sổ hồng trong trường hợp này thuộc về quận. Về phần mình, bà Lê Thị Bích Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh trả lời sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, có liên quan kiểm tra; đề nghị Công ty Dịch vụ công ích quận và Phòng Tài nguyên – Môi trường có một buổi làm việc để giải quyết vướng mắc.

Cách trả lời trên chưa thỏa mãn yêu cầu của người dân. Điều người dân cần biết là khi nào mới được pháp luật công nhận quyền sở hữu đối với căn hộ của mình hoặc khi nào nhà nước có chính sách tháo gỡ đối với trường hợp mua lại suất tái định cư.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục