Mỏi mòn với dự án “treo”

Mỏi mòn với dự án “treo”

Phía sau những dãy nhà khang trang trên đường D1 (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) là một bãi đất trống rộng hàng ngàn mét vuông. Khu vực này trước đây được quy hoạch làm bãi đậu xe buýt, rồi sau đó quy hoạch làm bãi xe trung chuyển nhưng đến nay đất vẫn bỏ hoang, ngập nước, đầy rác, ruồi, muỗi, chuột bọ…

Đi không thể, ở không xong

Trong con hẻm số 3 đường D1, có đoạn tráng xi măng phẳng phiu, chỗ bong tróc, lầy lội là nơi của hơn 30 hộ nằm trong quy hoạch dự án bãi xe trung chuyển, phần lớn là mái tôn, vách ván, xiêu vẹo dựa vào nhau.

Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ số 3/72 đường D1) cho biết: “UBND quận Bình Thạnh thông báo sẽ giải tỏa khu vực này xây dựng trạm trung chuyển xe buýt, nhưng suốt mấy năm nay vẫn chưa nhúc nhích. Gia đình tôi cùng nhiều hộ khác cũng sinh sống ở đây vài chục năm rồi. Bây giờ xuống cấp, cũ nát… nhưng không được sửa chữa. Nhà thấp hơn hẻm, mưa ngập lầy lội. Bãi đất trống không ai quản lý, ngập cỏ, đầy rác. Lâu lâu mới thấy có xe xuống gom rác, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại y vậy. Ruồi, muỗi, chuột bọ… sinh sôi, chúng tôi không có cách nào ngăn chặn. Ô nhiễm môi trường đã khổ, nhưng khổ nhất là người dân ở đây bị “treo” luôn quyền mua bán, sửa chữa, xây dựng nhà cửa. Muốn sửa chữa chỉ còn cách làm… trái phép”.

Những vết nứt lớn trên tường nhà của ông Đặng Kim Chánh trong khi việc thực hiện dự án vẫn cứ trì trệ.

Nhà của ông Đặng Kim Chánh (số 3/2 đường D1) có diện tích hơn 60m². Căn nhà đơn sơ, gác gỗ, các vách tường đều bị nứt toạc, không ít nơi nứt hơn 10 phân và kéo dài vài thước. Căn nhà đã không kiên cố, lại bị nước ngập và mục chân tường nên nghiêng hẳn về bên phải. Ông Chánh than: “Nhà tôi hư hỏng hết rồi, muốn sập đổ. Bây giờ chỉ có xây mới, chứ không thể sửa chữa được nữa. Mỗi khi mưa, nước tràn vào nhà, tôi phải kê cao tủ, bàn, ghế… Thương nhất là má tôi bị bệnh, không đi được. Nhiều lúc nước ngập quá, tôi phải bồng má tôi lên gác”.

Tiếp tục bị “treo”

Đây không phải lần đầu tiên cư dân ở hẻm số 3 đường D1 khổ sở vì quy hoạch. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ tại 3/60 đường D1) cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, khu vực này nằm trong dự án mở rộng bến xe Văn Thánh. Rồi dự án không thực hiện được, chúng tôi vui mừng tưởng đã thoát được “treo”, ai ngờ sau đó khu vực này lại nằm trong quy hoạch dự án trạm trung chuyển xe buýt. Dự án được các cơ quan chức năng phê duyệt từ năm 2010. Chúng tôi quá mỏi mòn chờ đợi. Hơn 4 năm qua, UBND quận Bình Thạnh đã đôi lần gặp gỡ chúng tôi để bàn giải pháp, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng”.

Được biết, trong các lần gặp gỡ đó, đơn vị thẩm định giá đền bù là Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (chi nhánh miền Nam) đã trình bày đơn giá đất ở để tính giá bồi thường. Nhưng, các hộ dân chưa đồng tình và kiến nghị giá đền bù cao hơn. Vụ việc kéo dài từ cuối năm 2010 đến nay vẫn chưa có giải pháp thực hiện. Cuối tháng 7-2014, UBND quận Bình Thạnh có Văn bản 1402/UBND-BTGPMB, nêu rõ trình tự thực hiện, đền bù dự án, kiến nghị UBND TPHCM ghi vốn và gia hạn thời gian thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp. Được biết, Văn phòng UBND TPHCM và Văn phòng Tiếp công dân đã có các công văn liên quan đến vụ việc này. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp UBND quận Bình Thạnh rà soát tình hình thực hiện dự án, xem xét đề xuất trình UBND TPHCM. Thế nhưng hơn 4 năm kể từ ngày công bố, dự án này vẫn chưa được thực hiện.

Sau khi tiếp nhận khiếu nại của các cư dân tại đây, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Nguyễn Thành Chung đã có văn bản phản hồi đến Báo SGGP, cho biết: Ngày 7-3-2014 Hội đồng Thẩm định bồi thường TP đã có thông báo kết luận về đơn giá đất ở để tính bồi thường dự án xây dựng bãi trung chuyển xe buýt tại 152 Điện Biên Phủ, trong đó có nội dung: “Đến nay đã hết thời gian thực hiện dự án. Do đó UBND quận Bình Thạnh phải kiểm tra rà soát pháp lý của dự án”. Theo Giám đốc Sở GTVT TP, nhằm bổ sung cơ sở pháp lý phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sở đã kiến nghị UBND TP tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng bãi trung chuyển xe buýt thành một dự án riêng, giao UBND quận Bình Thạnh tiếp tục thực hiện theo quy định.

Như vậy đến nay việc xây dựng bãi trung chuyển xe buýt vẫn được Sở GTVT đề xuất thực hiện, nhưng các việc thẩm định đơn giá đất bồi thường và bố trí vốn bồi thường giải tỏa mặt bằng vẫn còn chờ. Cư dân ở hẻm số 3 đường D1 phải... tiếp tục chờ đến bao giờ?

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục