Mỗi năm, dân số nước ta tăng hơn 1 triệu người

Tổng dân số Việt Nam ở thời điểm tổng điều tra (0 giờ ngày 1-4-2019) là trên 96,2 triệu người, trong đó nam chiếm 49,8% và nữ chiếm 50,2%. Như vậy, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người. 
Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

Sáng ngày 19-12, Hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng dân số Việt Nam ở thời điểm tổng điều tra (bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2019) là trên 96,2 triệu người, trong đó nam chiếm 49,8% và nữ chiếm 50,2%. Như vậy, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và đứng thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam đã tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 – 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm).

Với mật độ dân số 290 người/km2, Việt Nam cũng là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Philippines và Singapore). Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước, với 22,5 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước.

Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất, với 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước. Trong giai đoạn tổng điều tra 2009-2019, khu vực Đông Nam Bộ có tỷ lệ tăng dân số bình quân cao nhất cả nước - 2,37%/năm, trong khi đồng bằng sông Cửu Long lại có tỷ lệ tăng dân số bình quân thấp nhất – chỉ 0,05%/năm.

Đáng lưu ý, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này có nghĩa là Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua và xu hướng sinh 2 con vẫn là phổ biến. TFR của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ, trong khi ở khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất, thấp hơn nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học.

TPHCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), trong khi Hà Tĩnh là địa phương có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ). Tuy nhiên, tình trạng sinh con ở độ tuổi chưa thành niên vẫn tồn tại. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3 phần ngàn.

Về giới tính, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay. SRB năm 2019 giảm so với 2018, nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, năm 2018 tỷ lệ này là 114,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Tin cùng chuyên mục