Vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo:

Mọi người phải… tự cứu!

Coi thường trước sức khỏe chính mình
Mọi người phải… tự cứu!

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch tả, dịch tiêu chảy cấp tại nước ta diễn biến ngày càng phức tạp. Thế nhưng hàng ngày, dọc một số tuyến đường, nhiều người vẫn thản nhiên ngồi thưởng thức món ăn… đường phố, thờ ơ trước cảnh báo từ cơ quan chức năng và dư luận xã hội.

Coi thường trước sức khỏe chính mình

Mọi người phải… tự cứu! ảnh 1

Công đoạn làm sạch rau tại một quán ăn hè phố. Ảnh: C.Q.

Điều dễ dàng nhận thấy là nhiều người dân thành phố vốn vẫn thờ ơ trước chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không đảm bảo tại các hàng quán, từ quán “cóc” lề đường cho đến nhà hàng sang trọng. Ở một số hàng quán, thực tế từ khâu xử lý, chế biến thực phẩm đến việc làm sạch dụng cụ, chén đĩa đã qua sử dụng trở thành chuyện không đáng quan tâm. Thậm chí, có một giai đoạn cơ quan chức năng và phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nguy cơ lây lan dịch tiêu chảy cấp thông qua cách chế biến mắm tôm kém vệ sinh thì nhiều người vẫn cứ vô tư ăn thịt chó, mắm tôm tại… lề đường. Những quán thịt chó thuộc các khu vực đường như Cống Quỳnh, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thông (quận 1, quận 3)… vẫn tấp nập người ra, kẻ vào.

Người viết đã có dịp “mục sở thị” công nghệ chế biến thịt chó, mắm tôm “khủng khiếp” tại một quán không tên trong con hẻm ở đường Cách Mạng Tháng Tám. Chó sau khi được “thui” sau quán, người làm bếp mồ hôi nhễ nhại, ngồi “chặt” sản phẩm đã sơ chế ra từng khúc nhỏ. Phía bên dưới toàn lông chó, rác thải. Bên cạnh, một phụ nữ đang rửa chén bằng công đoạn cũng không kém phần “ghê người”. Chồng chén, đũa sau khi được tập hợp từ bàn khách xuống, chỉ cần một hai thao tác “nhúng nước” đã “sạch sẽ” đến bất ngờ. Người đàn ông sau khi chặt nhỏ từng khúc thịt, cũng nhanh chóng quăng vào xô nước mà người phụ nữ vừa nhúng chén đũa. Tiếp theo, anh ta lấy lên và treo lủng lẳng trên tủ. Thế là, từng lượt khách ra vào quán này cứ thản nhiên gọi món và nhậu, trong khi chẳng mấy ai biết đến những cảnh tượng khủng khiếp vừa kể trên.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (35 tuổi, ngụ P25, Q.Bình Thạnh) có con học ở Trường Tiểu học Trần Quang Vinh (trên đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh), bộc bạch: “Biết là ăn uống ở hàng quán dọc đường, nhất là trước cổng trường học không đảm bảo vệ sinh cho lắm. Nhưng mình không thể theo con suốt ngày, chỉ trông chờ sự quản lý của nhà trường và thầy cô giáo. Nhưng hiện nay, trước cổng trường con tôi học cũng như nhiều trường học khác vẫn thấy hàng quán nhếch nhác mọc lên, hàng ngày đe dọa sức khỏe các em”.

Góp phần không nhỏ vào những nguy hại từ vấn đề VSATTP tại TPHCM là việc không ít gia cầm trên thị trường được nhập “lậu” qua các cửa khẩu. Mặc dù đã được quản lý, kiểm soát gắt gao nhưng chúng ta vẫn không thể ngăn chặn triệt để tình trạng gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán ngang nhiên tại nhiều chợ.

Người dân phải biết tự “cứu”!

Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong năm 2007, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với phòng y tế các quận, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra 3.854 cơ sở, tụ điểm kinh doanh, sản xuất thực phẩm đóng trên địa bàn. Trong đó, có 1.244 cơ sở, tụ điểm (chiếm 30,98%) vi phạm về chất lượng VSATTP. Đã có 34 cơ sở vi phạm nghiêm trọng bị rút giấy phép kinh doanh. Tổng số tiền phạt trong năm là 2,8 tỷ đồng.

Mới đây, trong báo cáo tại hội nghị toàn quốc lần 2 về công tác bảo đảm VSATTP diễn ra tại Hà Nội, Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn ra những con số báo động đỏ về tình trạng VSATTP. Theo đó, trong 212.772 cơ sở dịch vụ ăn uống trên cả nước, có đến 93,9% cơ sở chưa được quản lý VSATTP. Việc chấp hành quy định bảo đảm VSATTP tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể… vẫn còn bỏ ngỏ. Từ năm 1999 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm. Trong số 25.000 người bị ngộ độc đã có trên 300 trường hợp tử vong. Có đến 60% số vụ ngộ độc xảy ra ở bếp ăn tập thể tại nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất… Một con số đáng báo động nữa, đó là vẫn còn 50% người dân không hiểu biết đầy đủ về vấn đề VSATTP. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tình trạng vi phạm vẫn đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng tại hầu hết cơ sở.

Nguyên nhân mấu chốt ở đây chính là do cách thức quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này còn quá nhiều bất cập. Chúng ta hình thành hệ thống nhiều bộ, ngành cùng tham gia công tác quản lý sản phẩm, thực phẩm. Trong việc đảm bảo VSATTP, Bộ Y tế nắm giữ khâu quản lý, kiểm tra sản phẩm thức ăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý việc trồng trọt cây hoa màu, lương thực thực phẩm. Bộ Công thương quản lý khâu lưu thông… Tuy nhiên, khi xảy ra một sự cố liên quan đến VSATTP lại không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính. Thậm chí, nhiều lúc còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, hoặc, quản lý theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, thiếu sự phối hợp đồng bộ. Hơn nữa, việc kiểm tra cũng như xử phạt vi phạm VSATTP chưa liên tục và thiếu tính răn đe. Tình trạng “lờn thuốc” ở một số cơ sở vi phạm diễn ra thường xuyên dẫn đến thực trạng đáng lo ngại là nhiều nơi mới bị xử phạt hôm trước, hôm sau lại hoạt động và tiếp tục sai phạm. Mặt khác, do lực lượng cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực kiểm tra VSATTP còn quá mỏng nên lâu lâu chúng ta mới tiến hành vài đợt kiểm tra trực tiếp mẫu rau, quả, thịt…, chẳng khác nào “bắt cóc, bỏ dĩa”.

Trước một thực tế như vậy, không cách gì tốt hơn là người dân phải biết tự cứu mình.

Công Quang – Anh Thi

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM
Tránh cách làm “chiếu lệ”

Hiện nay, chúng ta muốn lập lại được trật tự trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là điều hết sức khó khăn. Tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp thật mạnh, kiên quyết và thường xuyên thì mới mong chấn chỉnh được. Hơn ai hết, ngành y tế phải có kế hoạch kịp thời kết hợp với chính quyền địa phương, phường, xã, tránh tình hình làm “chiếu lệ” hoặc lơ là, sẽ gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Ngoài ra, những biện pháp đảm bảo VSATTP không chỉ áp dụng trong thời gian chiến dịch hoặc trong tháng hành động. Mà chúng ta cần phải làm đồng bộ và lâu dài, huy động sự tiếp ứng từ quần chúng nhân dân. Trong cao điểm của tình hình dịch tả gây ra do đường ăn uống hiện nay, thì người dân cần tự kiểm soát thực phẩm và tự bảo vệ mình, không ăn uống ở nơi hàng quán thiếu vệ sinh và tránh xa những loại hàng rong đặt gần nơi ô nhiễm.

A. Trinh ghi

Tin cùng chuyên mục