Mối nguy từ xe “độ”

Để “thị uy” thiên hạ, hoặc làm phương tiện đua xe, nhiều thanh niên ở TPHCM hiện nay không ngại “đầu tư” hàng chục triệu đồng để có một “xe cưng” đã được độ máy, móc pô. Việc thay đổi kết cấu, linh kiện của xe máy không chỉ làm ô nhiễm môi trường, phản mỹ quan, mà còn gây nguy hiểm, dẫn đến tai nạn chết người.
Mối nguy từ xe “độ”

Để “thị uy” thiên hạ, hoặc làm phương tiện đua xe, nhiều thanh niên ở TPHCM hiện nay không ngại “đầu tư” hàng chục triệu đồng để có một “xe cưng” đã được độ máy, móc pô. Việc thay đổi kết cấu, linh kiện của xe máy không chỉ làm ô nhiễm môi trường, phản mỹ quan, mà còn gây nguy hiểm, dẫn đến tai nạn chết người.

        Vô tư “độ”

Khác với những bạn trẻ được học hành, có việc làm ổn định, thích sở hữu những xe tay ga đắt tiền, những thanh niên “dân anh chị” lại muốn thể hiện đẳng cấp riêng qua những xe máy “độ” để dễ bốc đầu, nẹt pô khi lưu thông trên phố. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều “lò độ” xe ra đời. Dọc các tuyến đường Phạm Hữu Chí, Đỗ Ngọc Thạnh, Tân Thành (phường 12, quận 5) hiện có khoảng chục điểm độ xe theo ý muốn của khách. Giá mỗi lần độ máy, xoáy nòng dao động từ 7 - 11 triệu đồng, móc pô từ 100 - 250 ngàn đồng. Qua một người thân giới thiệu, chúng tôi được L. - một thanh niên chơi xe độ ở phường 5, quận 8 dẫn đến đường Tân Hưng (đoạn sau lưng Thuận Kiều Plaza) nâng cấp “con ngựa sắt” của L.

Pô “độ” được bày bán tràn lan tại chợ xe máy Tân Thành, quận 5.

Pô “độ” được bày bán tràn lan tại chợ xe máy Tân Thành, quận 5.

Tại đây, sau khi đồng ý trả mức giá 7 triệu đồng, chiếc Dream của L. được 3 thanh niên sửa xe nhanh chóng tháo máy, thay đổi các phụ kiện như: pít tông, xi lanh, đầu nòng… Các thao tác “độ” máy diễn ra công khai ngay dưới lòng đường. L. cho biết, đúng thiết kế xe Dream chỉ có 100 phân khối, để chạy “bốc” hơn phải “độ máy” lên 110 phân khối. “Nâng máy lên vậy, nhưng hôm rồi đua trong khu dân cư Phong Phú, Bình Chánh vẫn bị về chót, “bể kèo” hết 5 chai (5 triệu đồng). Giờ “cúp” lên 125 phân khối luôn để cuối tuần gỡ gạc lại”. Sau hơn 2 giờ ngồi chờ, chiếc Dream đã được “độ” xong. L leo lên xe, rú ga và bốc đầu xe hỏng cao bánh trước chạy một vòng và quay lại nói: Ok!

Được hỏi “độ” xe giữa đường không sợ bị phạt? Linh - một thanh niên chuyên “độ” xe ở đây trả lời rất vô tư: “Tui làm xe ở đây cả chục năm rồi, chưa thấy ai tới phạt bao giờ? Mình “độ” xe theo yêu cầu chứ có phải tự ý phá xe người khác đâu mà sợ bị bắt”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc “độ” xe không chỉ có ở chợ Tân Thành (quận 5) mà còn xuất hiện tràn lan tại các điểm sửa xe trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (phường 9, quận Tân Bình), đường Hồ Thị Kỷ (phường 1, quận 10), đường Bình Thới (phường 9, quận 11)… Có nơi còn để cả bảng quảng cáo.

        Hậu quả khôn lường

Phân tích về cách “độ” máy, những nguy hiểm trong quá trình sử dụng xe mô tô sau khi được “độ”, kỹ sư Trương Quang Đô, Giảng viên Khoa cơ khí động lực - Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: Để cho tốc độ xe nhanh hơn so với xe nguyên thủy, chỉ có cách thay đổi đường kính pít tông lớn hơn, xi lanh cũng phải to hơn… Khi cấu tạo máy bị “phẫu thuật” làm khác so với thiết kế ban đầu sẽ làm các bộ phận bên trong của máy hoạt động không tương thích, thanh truyền dễ bị cong, hệ thống bạc đạn mau hỏng, máy sẽ hư nhanh trong thời gian ngắn. Tính mạng người điều khiển sẽ rất nguy hiểm khi xe đang lưu thông nhưng máy bị hỏng làm xe ngừng đột ngột.

Ngoài ra, khi lắp ráp một chiếc xe máy, các nhà sản xuất đã tính rất kỹ về độ tương thích giữa công suất của máy và độ chịu lực của khung xe. Người điều khiển xe “độ” chạy nhanh sẽ rất nguy hiểm, tai nạn có thể xảy ra do công suất máy được nâng lên nhưng độ chịu lực của khung xe cũng chỉ chừng đó nên khung xe dễ bị xé và gãy lìa. Còn về tác hại của việc “móc” pô, kỹ sư Đô cho rằng không chỉ làm ô nhiễm mà còn có thể gây “điếc” tai. Theo thiết kế của pô xe máy, bên trong pô có từ 3 - 5 vỉ thép tiêu âm để ngăn tiếng nổ phát ra lớn (thường tiếng nổ của pô xe máy có mức âm thanh từ 70dB trở xuống), đồng thời hạn chế bớt khí thải do động cơ đốt cháy nhiên liên thoát ra ngoài. Tuy nhiên, vì muốn có tiếng nổ cực lớn nên thanh niên thường “mổ” pô lấy bỏ các vỉ thép tiêu âm khiến âm thành thoát ra ngoài to hơn gấp 2 - 3 lần.

Ảnh hưởng và nguy hiểm từ việc độ máy, móc pô xe gắn máy là vậy nhưng hiện nay việc kiểm tra, xử lý xe “độ” của cơ quan chức năng còn rất buông lỏng. Nghị định 146 của Chính phủ quy định, các hành vi vi phạm như thay đổi kết cấu xe, điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị phạt 200.000 - 300.000 đồng. Trên thực tế, hiếm khi thấy CSGT phạt những lỗi này. Lý giải vì sao ít phạt, Đội trưởng Đội CSGT của một quận, nói: “Rất khó phạt vì kết cấu của máy nằm bên trong vỏ máy nên khó xác định có hay không việc “độ” máy. Đối với trường hợp “móc, độ” pô thì dễ phát hiện hơn, nên thời gian qua có phạt. Tuy nhiên với mức phạt theo Nghị định 146 còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Không chỉ “độ máy”, dân chơi xe còn “độ” cả pô xe để “thị uy” thiên hạ. “Pô độ” có tiếng nổ rất chát chúa, khó chịu. Tại các cửa hàng phụ tùng xe máy trên đường Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh (quận 5), chủ tiệm còn bán những pô xe được “độ” sẵn với giá từ 200 - 350 ngàn đồng/pô. Từng là nạn nhân của “pô độ”, chị Tâm ở đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 bức xúc: “Chiều 15-4, trên đường đi làm về nhà, đang lúc rẽ từ đường Trần Phú ra Sư Vạn Hạnh, bất ngờ có thanh niên chạy xe có pô “độ” rú ga vang trời làm chị hốt hoảng, té xuống đường, suýt bị xe buýt chạy phía sau tông phải. Các cơ quan chức năng nên kiểm tra, tịch thu và xử lý các xe độ để đảm bảo an toàn cho người đi đường”.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục