Môi trường đầu tư còn nhiều“đinh” dưới "thảm"

Hội thảo “Chính sách Phát triển Doanh nghiệp Vừa và nhỏ - Tầm nhìn và Hành động” đã được tổ chức sáng nay 3-6, tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế”, được Bộ các Vấn đề Toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC) tài trợ.
Môi trường đầu tư còn nhiều“đinh” dưới "thảm"

(SGGPO).- Hội thảo “Chính sách Phát triển Doanh nghiệp Vừa và nhỏ - Tầm nhìn và Hành động” đã được tổ chức sáng nay 3-6, tại Hà Nội. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế”, được Bộ các Vấn đề Toàn cầu của Chính phủ Canada (GAC) tài trợ.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều chính sách dành riêng cho DNVVN như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Mặc dù vậy, các chính sách này mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng, kết quả hỗ trợ còn hạn chế; tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ còn chậm, thời gian để xây dựng các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện có khi kéo dài từ 2 đến 3 năm, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc…

Đáng lưu ý, T.S Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã dẫn chứng và phân tích tình trạng được gọi là trên “thảm” dưới “đinh” trong môi trường đầu tư hiện nay. TS Lê Hồng Sơn thẳng thắn: “Cuối năm 2015, tỉnh Quảng Ninh ban hành 2 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long; “bức tử” nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn”. Việc một số địa phương ban hành văn bản yêu cầu ưu tiên tiêu thụ “bia tỉnh ta”, “xi măng tỉnh ta”, theo ông Sơn, cũng là những động thái tạo sân chơi bất bình đẳng, gây khó cho doanh nghiệp ngoại tỉnh.

Không chỉ ở cấp địa phương mà các bộ ngành trung ương cũng có những quyết định điều hành vi phạm pháp luật về kinh doanh. Đơn cử là Quyết định 1328/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đính chính Thông tư 157/2011 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Công văn 17060/BTC của Bộ Tài chính thay thế cơ chế đăng ký tờ khai hải quan mới của hàng xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa đã được Thông tư số 194/TT-BTC ngày 6-12-2010 quy định. Doanh nghiệp từ chỗ không phải đăng ký tờ khai nội dung mới, chỉ khai nộp thuế nhập khải, tiêu thụ đặc biệt thì lại phải thay tờ khai nội dung mới. Đồng thời xác định thời điểm tính thuế dẫn đến việc buộc doanh nghiệp phải nộp thuế truy thu (kiểu áp dụng hồi tố).

Bộ Công Thương cũng được ông Sơn “nêu danh” với Thông tư số 59/2013/TT-BCT ngày 8-5-2013 xác định thời hạn lưu giữ của hàng tạm nhập tái xuất không quá 15 ngày, gia hạn 25 ngày, trái Luật Hải quan (thời hạn là 12 tháng, gia hạn 6 tháng) và quy định “tạm dừng, thu hồi mã số tạm nhập, tái xuất hàng”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải “sản xuất tại quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm”. Luật An toàn thực phẩm không có quy định điều kiện này.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục