Tọa đàm “Phở”

Món ăn quốc túy, đậm dấu ấn văn hóa Việt

Món ăn quốc túy, đậm dấu ấn văn hóa Việt

Trong Liên hoan ẩm thực “Món ngon các nước 2007” tại Khu du lịch Văn Thánh, Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức buổi tọa đàm khá thú vị về phở - món ăn độc đáo, tiêu biểu cho ẩm thực Việt.

Món ăn quốc túy, đậm dấu ấn văn hóa Việt ảnh 1

Nghệ sĩ ưu tú Thế Tuyền và nghệ sĩ Thục An biểu diễn ca trù “Anh yêu phở”.

Xoay quanh trọng tâm “sự độc đáo của văn hóa phở và tính phổ biến quốc tế của phở”, tọa đàm nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong tham luận “Những độc đáo của văn hóa phở Việt Nam” của Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhận định: “Phở hoàn toàn ra đời ở Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo ra. Phở là quốc hồn quốc túy, tiêu biểu cho nền văn hóa lúa nước của Việt Nam hay của Đông Nam Á…”. Trong từng giai đoạn lịch sử, món phở cũng trải qua nhiều thăng trầm, nhiều thay đổi trong phương thức chế biến, cách trình bày, hình thức buôn bán, ngay cả gia vị để nêm nếm và các món ăn kèm cùng phở cũng phong phú, đa dạng.

Cho đến nay, phở Việt Nam đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, được đông đảo du khách nước ngoài bình chọn là món ăn khoái khẩu, được yêu thích nhất trong hàng loạt các món ăn của người Việt. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong có cách nhìn bao quát hơn với “Phở từ quê người đến quê nhà”. Ông cho rằng, phở đã và đang hội nhập mạnh mẽ. Không nơi nào có người Việt sinh sống trên thế giới mà không có phở – phở cho người Việt và các dân tộc khắp nơi trên trái đất. Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của ẩm thực Việt Nam tại hải ngoại. Ở phương trời xa, món phở không được chế biến đầy đủ hương vật liệu như tại quê nhà nhưng một thoáng vị phở cũng đủ làm tâm hồn những người con xa quê ấm áp, đỡ nhớ quê hương. Đã du hành qua hơn 20 quốc gia như Pháp, Mỹ, Nhật, Thái Lan… đến đâu ông cũng tìm kiếm và thưởng thức món phở và kết luận rằng ở đâu phở cũng có một nét riêng nhưng đều có một điểm rất chung: sự tinh tế, hài hòa, không bao giờ có một chất gia vị nào nổi trội khiến phở trở nên thái quá. Phở đã trở thành một thương hiệu văn hóa Việt và để lại ấn tượng đẹp về văn hóa ẩm thực Việt đối với khách nước ngoài.

Anh Lê Phú Cường, một kiều bào sinh sống tại Úc, hiện là nhân viên phát triển văn hóa nghệ thuật Úc – Á, đã giới thiệu về một chương trình nghệ thuật “Tôi yêu phở” khá lạ. “I love phở” là một chương trình nghệ thuật diễn dịch phở bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau bao gồm mỹ thuật, kịch nghệ, văn học, phim ảnh, hội thảo và lễ hội. Chương trình nghệ thuật này do Trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse ở thành phố Sydney, Australia, phát triển với sự tài trợ của bộ nghệ thuật tiểu bang New South Wales và Liên bang Úc. “I love phở” là khởi đầu cho việc nghiên cứu và giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Chương trình này đang được triển khai thực hiện, đến tháng 2-2008, triển lãm mỹ thuật “I love phở” sẽ là hoạt động nghệ thuật đầu tiên về phở tham gia chương trình lễ hội ẩm thực ở Melbourne (Australia). 

Phở Việt Nam có tiềm năng trở thành món ngon của thế giới, xứng đáng được chúng ta chăm chút, phát huy và tự hào. Sau tọa đàm, Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam sẽ chuẩn bị cho việc ra mắt hai quyển sách “Văn hóa phở Việt Nam”, “Ẩm thực Việt Nam và phở dưới mắt của người nước ngoài”, như là một bước đột phá về cách làm sách ẩm thực Việt Nam, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Viện cũng sẽ chuẩn bị cho một số hội thảo và liên hoan phở diễn ra trong năm 2008…

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục