Trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Mong các đại biểu quan tâm đến giới trẻ

Mong các đại biểu quan tâm đến giới trẻ

Ngày 22-5-2011, cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND nhiệm kỳ 2011-2016. Là một công dân trẻ của TPHCM, tôi rất vinh dự lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu đi bầu chọn những đại biểu ưu tú của thành phố, đại diện cho nhân dân trước Quốc hội và HĐND. Tôi hy vọng các đại biểu sẽ nỗ lực hết mình, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và đời sống của thanh niên chúng tôi.

Áp phích về bầu cử tại quận 3, TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Áp phích về bầu cử tại quận 3, TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Đầu tiên, rất mong các đại biểu sẽ quan tâm đến các hoạt động đoàn thể thanh niên vì hiện nay, mảng này còn bộc lộ nhiều yếu kém. Các hoạt động thanh niên hiện nay còn khá rời rạc và thiếu hiệu quả, do đó rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan thành phố và trung ương.

Thứ hai, công tác đào tạo - dạy nghề cho thanh niên cũng cần được đẩy mạnh. Có thể nói, đây là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định đến sự phát triển của đất nước. Hiện nay, công tác đào tạo - dạy nghề cho thanh niên còn nhiều bất cập về chương trình giảng dạy, nguồn kinh phí và nguồn tài trợ ít ỏi; tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn khá cao.

Thứ ba, việc giáo dục, cải tạo thanh niên sa ngã cần được thực hiện đồng bộ và tích cực hơn nữa. Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ tội phạm ngày càng gia tăng, trong đó không ít người là thanh niên cơ nhỡ, thất nghiệp. Bên cạnh công tác giáo dục để họ trở lại với cuộc sống bình thường, cần tích cực tìm kiếm việc làm giúp họ sớm hòa nhập cuộc sống.

Cuối cùng, tôi rất mong các vị đại biểu quan tâm đến tiếng nói của thanh niên, tạo diễn đàn cho thanh niên chúng tôi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng cũng như góp sức xây dựng đất nước. Cần tổ chức nhiều kênh thông tin để thanh niên dễ dàng phản ánh với các vị đại biểu Quốc hội, HĐND về những bức xúc, vướng mắc mà các bạn trẻ thường gặp. Đồng thời, những ý tưởng hay, sáng tạo của tuổi trẻ có cơ hội được trình bày với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dễ dàng hơn.

Lê Đặng (Quận Thủ Đức, TPHCM)

  • Không nên chạy theo hình thức

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã hoàn tất giai đoạn tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Các địa phương cũng đã gần như kết thúc công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử như phát thẻ cử tri, tổ chức các điểm bỏ phiếu, tuyên truyền… Đối với người dân, đây là thời điểm tìm hiểu, cân đong đo đếm để quyết định “chọn mặt gởi vàng”. Có thể nói, tiến trình tổ chức diễn ra công bằng, dân chủ và mọi việc đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng trong các lần bầu cử trước đây, vì chạy theo thành tích thi đua là “đơn vị hoàn thành sớm công tác bầu cử”, có một số địa phương đã “mời” cử tri đi bỏ phiếu khá sớm, “bầu đông bầu đủ”. Có nơi còn không ngại chuyện chấp nhận cho bầu giùm, dù biết rằng đây là việc làm trái luật. Có hộ, do có người đang bận việc làm ăn mua bán, chưa về kịp cũng bị cán bộ phòng bầu cử, tổ trưởng dân phố đến hối thúc đi bầu. Có nơi, cử tri phải xếp hàng rồng rắn để chờ bỏ phiếu. Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng ít nhiều tạo cho một số người có suy nghĩ “bầu đại cho xong”, làm mất đi ý nghĩa của cuộc bầu cử - một đợt sinh hoạt chính trị mà người dân là chủ thể quyết định thông qua lá phiếu.

Thiết nghĩ, hoàn thành sớm công tác bầu cử là tốt nhưng đừng đặt ra thành một chỉ tiêu thi đua. Thay vào đó, các địa phương nên tạo nhiều điều kiện để cử tri bàn bạc, trao đổi, tìm hiểu kỹ tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên trước khi bỏ phiếu. Làm sao để ngày người dân đi bầu cũng là ngày hội của dân chủ. Lá phiếu thể hiện lòng dân và đó là điều mà nhà nước luôn hướng tới.

Tân Thành (quận Tân Phú)

  • Làm gì để diệt “sâu”?

Phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nói: “Trước kia một con sâu làm rầu nồi canh, bây giờ nhiều con sâu lắm. Thật hết sức xấu hổ, nhưng không lẽ cứ để hoài như vậy...” (Báo Tuổi trẻ, 9-5-2011). Ý kiến rất thẳng thắn của đồng chí Trương Tấn Sang về thực trạng tham nhũng và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chống tham nhũng đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình từ đông đảo đảng viên, cán bộ và nhân dân.

Để diệt trừ dần những “con sâu”, không để cho chúng tiếp tục sinh sôi nảy nở thành cả “bầy sâu” có khả năng làm “chết đất nước này” như đồng chí Trương Tấn Sang lo ngại, tôi đề nghị tất cả các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cần nhìn thẳng vào thực tế tham nhũng nhức nhối ở nước ta hiện nay, đồng thời tăng cường các biện pháp quyết liệt chống tham nhũng một cách hiệu quả, thực tế, thay vì phần lớn chỉ chống qua sách vở, lời nói như lâu nay. Chỉ cần học tập một cách thật sự cầu thị - đồng thời lắng nghe và làm theo ý kiến tâm huyết, xây dựng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tin rằng sẽ tạo nên sự chuyển biến tốt, hạn chế và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lấy lại lòng tin của dân, bảo vệ được chế độ trước những thách thức to lớn hiện nay.

Phan Trọng Hiền (quận Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục