Mong đợi!

Đọc thông tin trên báo chí, chúng tôi được biết Bộ GD-ĐT đang khởi động, chuẩn bị các điều kiện, nhân sự để tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực. Để thực hiện mục tiêu cốt lõi mà đề án này đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội mới thông qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm, tham khảo nhiều bộ CT-SGK nước ngoài - các nước có nền giáo dục phát triển hoặc có tương đồng với Việt Nam.

Không những thế, Bộ GD-ĐT còn mời các đoàn chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để tập huấn, thiết kế chương trình và biên soạn SGK phổ thông. Điều này cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đổi mới giáo dục phổ thông của ngành chủ quản. Thế nhưng, chúng tôi - những nhà giáo trực tiếp đứng lớp, kiến tạo tri thức - được tham gia vào công cuộc đổi mới này như thế nào?

Đó là chưa kể hàng triệu học sinh - những người bị tác động trực tiếp đến quyền lợi có được tham khảo ý kiến về việc các em thích gì, muốn được học những gì thiết thực nhất? Thế kỷ 21 đang đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên sâu mà còn rất nhiều kỹ năng thành thục để phát triển nền kinh tế tri thức. Vậy chúng ta sẽ thiết kế CT-SGK sát với thực tế, yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng ở bậc giáo dục phổ thông như thế nào?

Trải qua nhiều lần đổi mới CT-SGK và hệ quả bây giờ chúng ta đang phải đối diện với nhiều bất cập, trì trệ, tụt hậu vì chương trình quá nặng nề, kiến thức trùng lắp, thừa những điều vô bổ, thiếu những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học suốt 12 năm đèn sách. Điều khiến không ít nhà giáo cảm thấy buồn - nếu không muốn nói là mất niềm tin - ở chỗ, trước mỗi kỳ đổi mới CT-SGK, giáo viên các cấp học được mời đóng góp ý kiến rầm rộ, ai cũng “rút ruột rút gan” hiến kế, nhưng sau đó mọi việc vẫn “vũ như cẩn”.

Đáng buồn hơn là có nhiều bài, nhiều trang mục trong SGK được kiến nghị nhiều lần phải thay đổi, phải bỏ hẳn hoặc phải chỉnh sửa sai sót về lỗi kỹ thuật, kiến thức… nhưng sách mới in ra hàng năm vẫn còn nguyên lỗi (!?).

Như thế, lần đổi mới CT-SGK này, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, nhất là đội ngũ giáo viên giỏi ở các bậc học đến đâu? Ai được chọn tham gia công trình thiết kế CT-SGK giáo dục phổ thông mới này? Tiêu chí và cách tuyển chọn các “kiến trúc sư” hội đủ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT ra sao? Từ những thắc mắc băn khoăn của dư luận, Bộ GD-ĐT nên công khai nhân sự, tiêu chí tuyển chọn người có năng lực, trình độ, giỏi chuyên môn, kiến thức sâu rộng và điều tối quan trọng là am hiểu trình độ, tâm sinh lý học sinh ở các bậc học.

Muốn vậy, cần tham khảo ý kiến của đội ngũ giáo viên dạy giỏi vì chỉ có họ mới gắn với thực tế, mới thấu hiểu học sinh của mình cần học những gì và thích học theo phương pháp nào để lĩnh hội kiến thức tốt nhất.

Nếu trong cơ cấu nhân sự thực hiện đề án đổi mới CT-SGK mà không quy định rõ tỷ lệ bao nhiêu phần trăm dành cho giáo viên giỏi ở các bậc học, môn học tham gia thì chúng tôi lo ngại việc “xây nhà” lần này tiếp tục phạm sai lầm không chú trọng gia cố nền, móng chắc chắn. Bởi lẽ chỉ có những người am hiểu thực tế dạy và học mới hiểu rõ và thiết kế CT-SGK sát với yêu cầu đổi mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi.

KIM HOÀNG

Tin cùng chuyên mục