Ngày còn nhỏ, mỗi lần tôi kêu than: “Mẹ ơi, sao nhà mình nghèo thế?”, mẹ tôi đều cười rồi bảo: “Nhà mình đâu có nghèo. Nhà mình giàu nhất ấy chứ”. Nhà tôi giàu? Con thạch sùng bò trên tường nghe hiểu chắc rơi phịch xuống đất vì sốc!
Nếu nhà tôi giàu, sao tôi phải mặc lại đồ cũ của chị cả, em tôi phải học bằng sách cũ của tôi và mẹ tôi phải cặm cụi sửa những bộ quần áo con gái của tôi thành quần áo con trai cho em tôi mặc? Nếu nhà tôi giàu, sao bữa cơm nào cũng ít thịt nhiều rau, thậm chí còn quy định, mỗi bát cơm chỉ được gắp một miếng thịt? Nếu nhà tôi giàu, sao bố mẹ tôi phải ngày ngày cơm nắm muối lạc đi làm thuê cho người ta từ sáng sớm, làm thông tầm qua trưa để chiều còn có chút thời gian chăm sóc vườn nhà? Nếu nhà tôi giàu… Tôi có cả hàng trăm cái “nếu” như thế.
Bữa cơm, tôi với em trai phụng phịu, vì lúc nào cũng thèm thuồng thịt cá mà nhà chẳng có tiền mua. Chị cả ký cho mỗi đứa một cái vào đầu, bảo: “Con người ta ăn để sống, không phải sống để ăn, đồ ngốc”. Mẹ tôi lườm chị cả, bảo các em còn nhỏ rồi nhường hết phần thịt cá cho hai đứa. Bố tôi quy định, bữa cơm gia đình, trừ khi bố mẹ bận bịu không có nhà, lúc nào cũng phải đợi đủ hết mọi người rồi mới được ăn. Tôi nhiều khi thấy phiền vì phải chờ đợi trong khi bụng sôi lên vì đói. Mẹ tôi chỉ cười, ăn cơm phải đông đủ cả nhà mới vui.
Tôi lớn lên, nói thật, lúc nào cũng thấy mình nghèo túng, thiếu thốn, đôi khi cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng với bạn bè vì không có tiền. Khi vào đại học, tôi ở trọ chung phòng với một cô bạn gia cảnh khá giàu. Vì số tiền ít ỏi của mình, tôi không dám cùng bạn nấu ăn chung, cũng không dám chơi bời hay mua sắm. Bạn tôi buồn, nói tôi quá khách sáo, tiền bạc đâu phải là thứ gì đó quan trọng đến thế. Dù vậy, tôi vẫn cứ ngại ngần.
Bạn tôi về nhà tôi chơi, mắt cứ tròn xoe, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Nhà mày lạ thật!”. Lạ, là vì, bố mẹ tôi đã gần sáu mươi tuổi mà vẫn xưng hô “anh”, “em” thật tình cảm. Lạ, là vì, khi trăng đêm lên cao soi sáng sân nhà, gia đình tôi mang chiếu ra hiên ngồi ngắm trăng, cùng nhau đàn hát vui vẻ thay vì xem ti vi. Lạ, là vì khi chưa đủ người trong nhà trong bàn ăn thì chẳng ai cầm đũa lên. Lạ, là vì, chị em tôi ai cũng đều cố gắng tự lập, chỉ mong sao càng ít phụ thuộc tài chính vào bố mẹ càng tốt. Lạ, là vì, gia đình tôi đúng là một hộ nghèo nhưng bố mẹ tôi kiên quyết không nhận nghèo và từ chối sự giúp đỡ của chính quyền địa phương khi họ muốn đưa gia đình tôi vào danh sách hộ nghèo để được nhận hỗ trợ. Lạ, là vì… đủ thứ. Tôi phì cười. Với tôi, tất cả những gì mà bạn tôi cho là lạ lại rất đỗi bình thường. Tôi chợt nhận ra rằng, thì ra, cái cuộc sống quá đỗi đơn giản của gia đình tôi, cái hạnh phúc bình dị đến nỗi tôi gần như không cảm nhận được vì quá quen thuộc, cũng là ước mơ của một ai đó khác. Như một người vừa ngộ ra chân lý, tôi à lên: “Ra thế, nhà mình đúng là rất giàu”.
Mà đúng là nhà tôi giàu thật! Bố mẹ tôi tuy đã đến tuổi già nhưng vẫn còn rất nồng thắm. Chị cả tôi học hành giỏi giang, thành đạt. Em trai tôi tuy không được thông minh nhưng chịu khó, ngoan hiền. Dẫu cuộc sống không dễ dàng, lắm khó khăn, vất vả nhưng chưa ai trong gia đình tôi nghĩ rằng, chúng tôi không thể vượt qua.
Tôi vẫn còn phải đắn đo suy nghĩ khi muốn mua một cái áo, một đôi giày mới, nhưng, tôi không còn thấy khó chịu vì những điều ấy nữa. Dù căn nhà vẫn cũ kỹ, đồ đạc chưa được thay thế và tiền bạc cũng chưa đủ để trở thành một gia đình dư dả, có của ăn của để, với bố mẹ tôi, với chị tôi, em tôi và cả với tôi, gia đình tôi vẫn cứ là một gia đình giàu.
Thiên Vũ (Lâm Đồng)