Kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường SEA Games vào năm 1989, cũng ngần ấy năm báo chí thể thao nước nhà tái hòa nhập với khu vực. Qua mỗi kỳ đại hội, thể thao Việt Nam càng vươn cao, giới truyền thông thể thao cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Kể từ SEA Games 24 - 2007 đến nay, giới báo chí thể thao Việt Nam luôn góp mặt với lực lượng rất đông, chỉ kém mỗi phóng viên chủ nhà. Số lượng đông, trang thiết bị hành nghề ngày càng hiện đại, các phóng viên Việt Nam khiến các nước trong khu vực luôn phải… ngước nhìn ở những kỳ đại hội gần đây. Vậy nhưng, ít người biết, để có mặt ở các giải đấu lớn như thế, ngoài những phóng viên của các tờ báo có số lượng phát hành và doanh thu lớn đi tác nghiệp một cách ung dung vì có cơ quan “chống lưng” quá ổn, vẫn có rất nhiều phóng viên phải tự thân vận động tìm tài trợ, thậm chí là bỏ cả tiền túi để có thể góp mặt tại đại hội, vừa truyền tải những tin tức nóng nhất đến bạn đọc, vừa để thỏa máu nghề.
Vậy nên, nhiều khi cũng có… nghịch cảnh bởi giới báo chí luôn đấu tranh và kêu than dùm cho đoàn thể thao lẫn các tuyển thủ nước nhà về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, việc đi thi đấu tập huấn… nhưng chính bản thân họ lại phải chạy táo tác khắp nơi để tìm kinh phí đi tác nghiệp.
Kinh phí không nhiều, nên các phóng viên Việt Nam luôn phải tính toán chi li cho tất cả các khoản chi tiêu nơi đất khách để có thể tiết kiệm được nhiều nhất. Những ngày ở Indonesia, do tiền khách sạn cao, nhiều phóng viên đã cùng thuê nhà trọ dù biết rằng sẽ rất bất tiện cho việc tác nghiệp bởi thiếu thốn rất nhiều thứ, đặc biệt là hệ thống internet. Trong khi đó, nơi mà các phóng viên luôn dựa dẫm mỗi khi tác nghiệp ở các đại hội thể thao là trung tâm báo chí (MPC/IBC) lại chưa biết lúc nào sẽ hoàn tất. Việc chưa có trung tâm báo chí kéo theo những vấn đề khác như thông tin về địa điểm tập luyện, thi đấu của các môn tại đại hội đang là một bài toán đánh đố các phóng viên. Nếu chạy lòng vòng tự tìm địa điểm tập luyện, thi đấu bằng taxi, chẳng khác nào thách thức túi tiền vốn đã ít ỏi. Đó là chưa kể phải chạy đua với thời gian, vì đường xá Jakarta luôn trong tình trạng kẹt xe, trong lúc các phóng viên luôn phải vắt giò lên cổ vì khối lượng bài vở ngập đầu.
Hôm qua, một đồng nghiệp từ Palembang gọi điện thoại cho người viết để thông báo “hung tin”: Khách sạn ở đây đã hết sạch phòng từ ngày 8-11 cho đến lúc bế mạc đại hội, vì thế hãy chuẩn bị tinh thần sẽ… ở ngoài đường. Nghe xong muốn rụng rời tay chân, vì vài ngày nữa, chúng tôi sẽ phải rời Jakarta để để đến Palembang tác nghiệp. Rồi đến chuyện lễ khai mạc chỉ còn tính từng ngày nhưng nhiều địa điểm thi đấu vẫn chưa hoàn tất. Chuyện có lẽ chỉ có ở SEA Games 26!
Từng dự không dưới 5 kỳ SEA Games, nhưng chưa lần nào người viết lại được chứng kiến một đại hội ngộ nghĩnh và mang nhiều chất… làng xã ngay từ lúc chưa khai mạc.
Song Ngư