(SGGPO).- Tại cuộc họp báo về tổ chức Tuần lễ Phát động an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 18 do Bộ LĐTB-XH tổ chức ngày 4-3 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, giám sát an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ nhưng tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong thời gian qua vẫn nghiêm trọng với những vụ việc lớn.
Sập giàn giáo tại dự án Formusa – Hà Tĩnh
Trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm 7.785 người bị nạn trong đó, có hai người bị nạn trở lên là 79 vụ, 666 người chết, 1.704 người bị thương. Trong đó, có 2.432 người là nạn nhân nữ.
Năm 2015 cả nước cũng xảy ra 2.792 vụ cháy (trong đó 1.101 vụ cháy tại các cơ sở, 1.121 vụ cháy nhà dân, 182 vụ cháy phương tiện giao thông và 388 vụ cháy rừng) làm chết 62 người, bị thương 264 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.498,3 tỷ đồng và 1.623,2ha rừng. Có 35 vụ nổ làm chết 12 người, bị thương 41 người, thiệt hại về tài sản 896 triệu đồng.
Hình ảnh buổi họp báo
Các vụ việc điển hình về tai nạn lao động trong năm 2015:
1. Vụ tại nạn do sập giàn giáo tại Dự án Formusa - khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh vào lúc 19g50 ngày 25-3-2015 làm 13 người chết, 29 bị thương.
2. Vụ tai nạn do bục nước tại lò khai thác than tại xóm Xiềng, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vào 8g ngày 18-11-2015 làm 3 người chết.
3. Vụ tai nạn do sập lò vôi tư nhân thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng vào 9g ngày 20-11-2015 làm 3 người chết.
4. Vụ tai nạn do rơi vận thăng lồng tại công trình xây dựng văn phòng làm việc, Trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp, 52 Lĩnh Nam, phường Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội ngày 04-12-2015, làm 3 người chết.
5. Vụ tai nạn do sập công trình xây dựng cây xăng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày 9-12-2015 làm 2 người chết và 6 người bị thương.
Năm 2016, chủ đề được nêu ra là: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn vệ sinh lao động” nhằm yêu cầu các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động cùng toàn xã hội thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, kiên quyết giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ, bảo vệ nguồn nhân lực, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, người dân vì mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
VĂN PHÚC