Một ngành - hai quy hoạch, hai kịch bản phát triển khác nhau

Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có công văn gửi Bộ Công Thương, về việc rà soát lại quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Nguyên nhân chính là từ phản ảnh của một số địa phương, trong đó có TPHCM, rằng có đến hai bản quy hoạch về ngành này, của Bộ TT-TT và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) được phê duyệt và có tính pháp lý như nhau. Vấn đề khó xử ở chỗ, hai bản quy hoạch này không nhất quán trong một số nội dung về mục tiêu và một chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó, quy hoạch từ Bộ TT-TT xây dựng thì mục tiêu đến năm 2010 công nghiệp CNTT có tốc độ tăng trưởng 23%-24%, giá trị sản xuất là 3,4-3,7 tỷ đồng. Còn trong quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020 của Bộ Công Thương thì xác định ngành công nghiệp điện tử-tin học có tốc độ tăng trưởng 28,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2-3 tỷ USD. Đối với dự án của Intel, Bộ Công nghiệp lúc bấy giờ xây dựng quy hoạch đến năm 2010 sẽ đầu tư 300 triệu USD, đến năm 2015 sẽ đầu tư 305 triệu USD, trong khi dự án này đã được cấp phép đầu tư đến 1 tỷ USD.

Có sự chồng chéo về quy hoạch này, do không thống nhất về đầu mối quản lý công nghiệp CNTT, nên dẫn đến sự lãng phí trong quá trình khảo sát và hoạch định kế hoạch như trên. Thực tế, ngành điện tử - tin học là ngành đã được chuyển về cho Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây quản lý, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành này, nhất là công nghiệp điện tử-lắp ráp điện tử lại do Bộ Công nghiệp trước đây quản lý. Từ tình trạng chồng chéo quản lý dẫn đến cả hai bộ cũng tiến hành quy hoạch ngành, và xây dựng các chỉ tiêu khác xa nhau.

Quy hoạch là để giúp doanh nghiệp có định hướng đầu tư tốt, tránh lãng phí do đầu tư tràn lan, chồng chéo. Tuy nhiên, hai quy hoạch được tiến hành song song và trùng lắp như thế sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền của ngân sách, thời gian làm việc của các chuyên gia và các cơ quan có liên quan.

Trước những thông tin lệch pha này, Bộ TT-TT đã nhanh chóng có văn bản khẳng định quá trình xây dựng văn bản quy hoạch đã lấy ý kiến của các bộ và tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã có sự thống nhất, phù hợp với Luật Công nghệ thông tin và các Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ này do Chính phủ ban hành. Bộ này cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp để điều chỉnh các nội dung có liên quan trên.

Nếu không nhanh chóng có sự phối hợp điều chỉnh nhanh quy hoạch của ngành, sẽ là một thiệt hại đáng kể đối với các nhà đầu tư và làm mất cơ hội phát triển ngành.

Văn Thiên Lộc

Tin cùng chuyên mục