- Mỗi năm bao nhiêu sinh viên ra trường, mà năm nào cũng có “một bộ phận không nhỏ” phải làm trái ngành nghề. Uổng hơn nữa, nhiều em phải cất tấm bằng vô tủ, cắn răng đi làm công nhân hay bán hàng đa cấp để kiếm cơm qua ngày.
- Sao tránh được chuyện đó. Nhiều năm nay rồi, cứ ngành nào ngoài đời được coi dễ kiếm việc, lương cao là kỳ tuyển sinh năm đó hoặc năm tới, người dự thi nộp hồ sơ ào ào. Kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin... đều giống vậy. Nhưng sau 4 - 5 năm, lúc ra trường, nhu cầu xã hội đã khác, thế là treo niêu.
- Rồi ngành giáo dục - đào tạo có ý kiến gì không?
- Sếp ngành giáo dục mới có một báo cáo dài thoòng về chuyện này. Ở trỏng, bộ thừa nhận việc dự báo nhu cầu không chính xác. Nhưng cái chính là chất lượng đào tạo còn kém xa so với yêu cầu thực tế.
- Ờ, báo mới đăng đó, không ít học sinh lớp 9 còn chưa làm rành tính chia. Rồi học hành kiểu vậy mà vẫn lên lớp, tốt nghiệp phổ thông đều đều, lên đại học kém là phải.
- Sốt cả ruột. Vậy đã có chấn chỉnh gì chưa?
- Có. Ở đại học, một số ngành đào tạo “bội thực” so với yêu cầu đã bị đóng. Cả tuyển thạc sĩ cũng bị siết lại. Tóm tắt là chất lượng sẽ nghiêm ngặt hơn.
- Trả giá rồi mới tỉnh. Một nghề chưa chín, cứ đòi rình rang chín nghề, cuối cùng toàn sống nhăn!
TƯ QUÉO