Nghe tin Thượng tướng Phùng Thế Tài qua đời, dẫu biết trước quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng tôi vẫn không khỏi hụt hẫng, tiếc thương khôn nguôi. Đến viếng anh lần cuối, bao kỷ niệm lại ùa về trong tôi…
Ngày tôi vào lính thì anh đã là cán bộ chỉ huy trong quân đội. Anh là bậc đàn anh đi trước của thế hệ chúng tôi. Được sống và làm việc cùng anh, chúng tôi rất yêu quý anh vì anh đã để lại ấn tượng đẹp trong tâm trí mọi người.
Anh không những là người gần gũi quần chúng, anh còn là người rất cẩn thận và có trách nhiệm với công việc được giao. Anh là người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ và được Bác rất tin yêu quý mến. Anh tên thật là Phùng Văn Thụ, hồi ở căn cứ Cao Bằng, Bác đã đặt bí danh cho anh là Phùng Hữu Tài. Về sau Bác bảo tên Hữu Tài dễ phát sinh tự kiêu nên Bác đổi lại là Phùng Thế Tài. Từ đó cái tên Phùng Thế Tài theo anh suốt cuộc đời trận mạc. Ngày anh trở thành Phó Tư lệnh Phòng không rồi Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, anh đã trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia trận đánh ác liệt suốt 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, qua đó tiêu diệt nhiều pháo đài bay B52 của Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vang dội. Với chiến công này, anh vẫn khiêm tốn: “Đó là công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân dân ta…”.
Tôi vinh dự được cùng anh tham gia từ trận đánh Điện Biên Phủ rồi đến giải phóng Thủ đô Hà Nội và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau này còn tham gia Mặt trận 719 ở chiến trường Campuchia. Lúc nào anh cũng thể hiện bản lĩnh của người cầm quân, có những quyết định rất táo bạo, nhờ đó làm nên những chiến thắng vang dội. Từ lâu, danh tiếng tướng Phùng Thế Tài đã in đậm trong tâm trí người lính và lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Lần cuối tôi gặp anh trong lần đoàn phóng viên truyền hình quân đội làm phim tài liệu về anh, lúc này tuy anh đã tuổi cao sức yếu, nhưng khi gặp lại đồng đội cũ, mắt anh bỗng ánh lên niềm vui. Anh nhận ra từng người: “Đây là Trung tướng Lê Nam Phong, kia là Thiếu tướng Hoàng Dũng, kia nữa là Thiếu tướng Nguyễn Thế Kỷ…”. Chúng tôi cùng anh ôn lại lỷ niệm một thời đạn bom. Nói về những trận đánh năm xưa, anh thấy mình như trẻ lại. Anh bảo: Hồi được sống gần Bác Hồ, tôi học được Bác bao điều, nhất là muốn làm được việc lớn phải biết làm cả việc nhỏ. Khi được Bác gia đánh B52, anh nghiên cứu kỹ đường bay của địch từ trong Nam bay ra để phục kích tiêu diệt chúng. Nhờ vậy, khi trận đánh diễn ra thì 80% dự đoán là đúng kế hoạch nên ta đã giành thắng lợi vẻ vang.
Suốt cuộc đời binh nghiệp, lúc nào anh cũng phát huy phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ và luôn là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo. Giờ đây anh không còn nữa, nhưng phẩm chất cao quý nơi anh mãi mãi là tấm gương như ngọc sáng ngời trong trái tim bao người…
MINH NGỌC (ghi)