– Sắp tới kỳ nghỉ lễ dài, các hãng hàng không, vận tải đều tăng chuyến. Làm ăn khó khăn nhưng nếu đến ngày lễ người ta vẫn nô nức đi chơi, chứng tỏ nhiều thứ vẫn còn “rục rịch” được?
– Không tiêu dùng, lấy đâu ra lối thoát cho sản xuất? Thiếu sức mua đang là nguy cơ lớn nhất của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, thấy nhiều người còn đi chơi được là còn mừng. Miễn sao tiêu dùng phù hợp với thu nhập, biết liệu cơm gắp mắm là ổn thôi.
– Nhiều cái đâu có liệu được, vì còn phụ thuộc vào “lương tâm, mạng mỡ” của người bán. Cứ đến lễ là y rằng ở đâu cũng đầy nạn đẩy giá, chặt chém, ăn hiếp du khách. Nơi nào quản lý chặt như Đà Nẵng thì tăng giá cỡ 30% - 40%, những nơi lỏng hơn thì tăng 50% - 100%. Phòng khách sạn có thể tăng gấp ba tùy chỗ và tùy mặt khách chưa chừng.
– À, cái này là “cơm” vẫn chỉ có thế nhưng “mắm” mặn chát, ăn xong còn tởn. Bộ các ban ngành đủ thứ ở địa phương không có cách gì hết trọi?
– Thấy họ vẫn đều đều tuyên bố “sẽ quyết liệt kiểm soát tình hình”, nhưng thấy có gì khác đâu. Ăn uống, đi lại, dịch vụ, giữ xe… đều nhăm nhăm “máy chém”. Và chỗ nào cũng biện minh cho chuyện tăng giá bất nhơn trong câu trả lời gọn lỏn: “lễ mà”!
– Cái gì cũng tăng, vậy có gì giảm không?
– Có hai thứ giảm: chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của du khách. Giá thì tăng gấp đôi, chất lượng còn một nửa!
TƯ QUÉO