Trước thềm năm mới, nhất định có nhiều người tự hỏi: “Ta sẽ sống thế nào đây trong những năm tới?”. Những công dân bình thường như bản thân tôi năm nay bỗng thấy phải quan tâm đến vấn đề hội nhập: nước ta trở thành thành viên của Cộng đồng ASEAN và là thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Cộng đồng ASEAN tác động thế nào đến vận mệnh đất nước, tuy nhiều người băn khoăn, ta cứ tin chắc rằng các chuyên gia kinh tế và các vị lãnh đạo đã tính toán kỹ. Vấn đề cấp bách hiện ra trước mắt mọi người là ta sẽ gặp những thách thức như thế nào khi trở thành thành viên trọn vẹn của Hiệp định TPP. Tôi tin rằng nhân dân trong nước và kiều bào ngoài nước ai cũng ủng hộ việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP. Đây đúng là cơ hội để toàn dân, không loại trừ một ai hành động cho việc hiện thực hóa mong ước sánh vai với các cường quốc năm châu. Về bề nổi, đó là sự thực thi thương mại tự do trong khối các thành viên cùng một số thay đổi về định chế chính trị, pháp lý, những ràng buộc về sở hữu trí tuệ, về quyền lợi người lao động… Trên phương diện này, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp công - tư đã vào cuộc, tìm cách thích nghi với tình hình mới. Những thách thức bề nổi này tuy rất căng thẳng nhưng không thấm gì so với những thách thức chiều sâu, đó là các lĩnh vực giáo dục, hành chính và dân trí.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM vui trong ngày nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Khoa học năm 2015 Ảnh: MAI HẢI
Tại sao lại nghĩ đến giáo dục? Trong thời bao cấp, toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, trường học, bệnh viện, nhà hát... đều nằm trong tay Nhà nước. Nền giáo dục có nhiệm vụ đào tạo những người lao động phục vụ cho các ngành chuyên môn, những người thực thi nhiệm vụ đã quy định sẵn hoặc được các cấp quản lý giao phó. Nền giáo dục như vậy nặng về chuyên môn, tri thức mà không cần quan tâm đến năng lực sáng tạo, đầu óc quản lý, tầm nhìn sâu rộng, tinh thần kiên định chống rủi ro, tinh thần hợp tác, kỹ năng giao tiếp, thương thảo... Vào thời kỳ đổi mới, với sự phát triển của kinh tế tư nhân, của các công trình xã hội hóa như trường dân lập, bệnh viện tư, trang trại tư nhân, với sự xuất hiện một số ít doanh nhân, một số nhà quản lý các công trình tư…, nền giáo dục có phần nào chuyển biến nhằm đào tạo ra những con người có khả năng hoạt động kinh tế, văn hóa độc lập. Nhưng những thay đổi về giáo dục vẫn còn quá khiêm tốn: Vài giáo trình đại học về quản trị kinh doanh, về khởi nghiệp, về thành lập và quản lý xí nghiệp, về văn hóa giao tiếp... Mảng giáo dục từ tiểu học đến phổ thông trung học vẫn còn nằm ngoài cuộc, mà chính mảng đó mới đào tạo một cách cơ bản những con người thích nghi với các nền kinh tế mở, năng động trong quy trình hội nhập.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM Ảnh: Mai Hải
Báo chí trong nước thường nêu lên việc so sánh Việt Nam và Hàn Quốc: Có mấy trăm ngàn người Hàn sống ở nước ta và cũng có mấy trăm ngàn người Việt sống ở xứ Hàn. Cái khác nhau giữa ta và Hàn là ở chỗ ta chỉ có người làm thuê, trong khi đa số họ là các ông chủ to nhỏ, từ chủ tiệm ăn đến các công ty bảo hiểm lớn. Lác đác hiện nay trên thế giới cũng có những nhà đầu tư Việt chủ yếu là thành viên của các Tổng công ty nhà nước về dầu khí, viễn thông và một số trung tâm thương mại Việt ở Nga, Đông Âu và Mỹ. Chưa thấy có nhiều dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học do người Việt làm chủ ở nước ngoài. Ở các nước tiên tiến, ngay từ tiểu học người ta đã dạy cho trẻ biết cách làm chủ các dự án. Chẳng hạn trẻ bảy, tám tuổi đã làm quen với những bài tập “Nếu em có một cái vườn em sẽ làm gì?”, “Em có ba bạn ở cùng một chung cư, các em bàn bạc với nhau kế hoạch giải trí cuối tuần như thế nào để ai cũng thích thú tham gia” v.v… Sử dụng thành thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, cũng là vấn đề quan trọng bậc nhất đối với người Việt. Ai cũng biết, vì không thạo tiếng Anh nên lao động nước ta mất nhiều cơ hội làm ăn ở nước ngoài, cũng như với các cơ sở đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mà muốn thạo ngoại ngữ thì không chỉ đơn giản bỏ ra vài tháng theo học một khóa đào tạo tại một trung tâm ngoại ngữ. Phải học ngoại ngữ một cách nghiêm chỉnh từ bé, từ các lớp tiểu học. Nền giáo dục của ta nhiều năm lơ là ngoại ngữ, coi như có cũng được, không cũng chẳng sao. Từ nay trở đi các cấp có trách nhiệm cần có những biện pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng yếu kém đó. Như vậy, thách thức trước mắt đối với ta là chuyển một nền giáo dục đóng khung trong việc đào tạo người lao động đơn thuần sang một nền giáo dục đào tạo những người biết khám phá, có năng lực sáng tạo, biết chịu rủi ro, biết hợp tác làm ăn, thông thạo về giao tiếp và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh trong công việc và trong giao tiếp hàng ngày.
Thách thức thứ hai thuộc về lĩnh vực hành chính. Chúng ta quen sống đã lâu trong một nền hành chính bao cấp nặng tính xin - cho, ban phúc chứ không phải là nền hành chính phục vụ dân chúng chu đáo, làm lợi cho doanh nghiệp và khách hàng. Cho đến nay, người dân có cảm giác luôn bị làm khó trong mọi vấn đề với các thủ tục phiền hà, thái độ vô cảm của cán bộ, sự lẩn tránh trách nhiệm của cán bộ chủ chốt. Nhà nước phải giáo dục kỹ cho nhân viên công quyền thấy rằng họ làm khó dễ cho doanh nghiệp hay thậm chí cho một công dân, là làm hại cho đất nước. Bên cạnh đó, những quy định quan liêu phải được loại bỏ và thay thế bằng những quy định văn minh hơn. Chẳng hạn tôi nộp đơn về chuyện mở một dịch vụ gì đó có thời hạn giải quyết là mười ngày. Nếu quá mười ngày mà không nhận được giấy phép thì tôi đương nhiên coi như đã được cấp phép và luật pháp sẽ bảo vệ tôi. Trong một cộng đồng mà cạnh tranh và hợp tác diễn ra nhanh chóng, việc quản lý thời gian tối ưu là mối bận tâm của mọi người thì một nền hành chính lạc hậu sẽ có hậu quả vô cùng tai hại. Tôi đã sống ở một số nước mà thủ tục hành chính vô cùng đơn giản. Có lần tôi đến nhận lương ở phòng tài vụ nơi tôi công tác theo chương trình hợp tác giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục Pháp, cô nhân viên nói: “Ông có quyết định được tăng lương nhưng ba hôm nữa quyết định mới được gửi về. Vậy ông chịu khó chờ ba hôm nữa. Còn bây giờ ông chỉ nhận theo lương cũ thôi”. Tôi chào ra về thì cô nhân viên bảo chờ cho mấy phút để cô điện thoại lên trên xem sao. Cô điện thoại xong vui mừng nói: “Trên bảo cứ phát lương mới cho ông, ghi rõ căn cứ cuộc điện thoại lúc mấy giờ, ngày…”. Ở một nước khác, khi tôi xuống sân bay, một nhân viên hãng hàng không mà tôi sử dụng vé tiếp tôi và nhận trách nhiệm lo cho tôi hết mọi chuyện ăn ở, công tác, ốm đau… trong thời gian tôi sống ở đó.
Thử thách thứ ba, cực kỳ khó khăn cho việc hội nhập của nước ta vào cộng đồng quốc tế. Đó là vấn đề về ý thức cộng đồng đang mức báo động: Hầu hết người nước ngoài ngại không dám lái xe hơi ở Việt Nam vì giao thông đường phố cực kỳ hỗn loạn. Người tham gia giao thông trên các đường phố mạnh ai nấy đi, không bao giờ nhường nhau, sẵn sàng sừng sộ gây hấn khi va chạm nhau. Nhìn vào cách đi đứng của ta, ai cũng thấy đất nước còn lạc hậu, yếu kém về quản lý xã hội. Còn rất nhiều vấn đề không kém phần căng thẳng: Vệ sinh an toàn thực phẩm không bảo đảm, đủ các loại “tặc” hoành hành không ai trị nổi như lâm tặc, cát tặc, đinh tặc… Ở lĩnh vực nông nghiệp, những thương lái bất lương tung ra nhiều chiêu lừa đảo làm nông dân điêu đứng. Ý thức cộng đồng kém còn biểu hiện trong làm ăn chỉ biết cạnh tranh không lành mạnh chứ không biết hợp tác. Không hiểu từ đâu ra cái tư duy dễ sợ “thương trường là chiến trường”, tư duy độc hại khiến không ai còn lòng tin vào sự hợp tác để phát triển. Suy nghĩ cho kỹ, ta thấy vấn đề dân trí thực chất là vấn đề uy tín của đất nước, uy tín trung thực trong làm ăn, thương hiệu trong thương mại và hành vi có văn hóa trong đời sống cộng đồng. Nhà nước và các doanh nghiệp đã có những nỗ lực đáng kể để nâng cao tính cạnh tranh về kinh tế. Tuy nhiên chưa có dự án nào cụ thể. Các thành phố có các dự án “chống kẹt xe” và các dự án này nếu thực hiện được vẫn chưa tạo ra được một nền văn minh giao thông.
Như trên đã nói, Nhà nước cần có những biện pháp cụ thể huy động toàn dân vượt qua thách thức để phát triển. Tuy vậy, cách làm theo lối mệnh lệnh từ trước đến nay rõ ràng rất ít hiệu quả. Đã đến lúc mạnh dạn xây dựng tinh thần tự quản cho mọi cấp. Trung ương không nên ôm hết mọi thứ mà dành cho các địa phương nhiều quyền quyết định hơn, Bộ Giáo dục - Đào tạo để cho các trường lo lấy việc dạy - học, thi cử, tuyển sinh… Ta vẫn nghe nói thường xuyên “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” nhưng trên thực tế, vai trò quần chúng bấy lâu nay chưa được xác định một cách khoa học.
TRƯƠNG QUANG ĐỆ