Kính tặng Trường THPT A Hải Hậu, Nam Định nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (1960 - 2010) và đón danh hiệu Anh hùng (13-11-2010).
Thời ấy trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp (học nhờ cấp 2 Hải Phương vào buổi chiều với những lớp học đơn sơ mái lá, tường vách đất quét vôi). Nhưng bù lại sự thiếu thốn đó chúng tôi may mắn được học những người thầy thực sự là thầy.
Thầy Tú có cặp kính cận dày cộp, mái tóc như chòm mây trắng phất phơ. Giọng sang sảng quyến rũ. Mỗi tiết sử của thầy là mỗi dịp chúng tôi được đắm mình trong không khí sống động, rực lửa với từng trang quá khứ hào hùng của dân tộc, của nhân loại.
Bằng kiến thức uyên sâu và tài vẽ bản đồ trên bảng không cần nhìn sách, thầy Toàn đã đưa chúng tôi đến những miền đất lạ, khám phá biết bao điều kỳ thú. Chính sự thích thú đó đã khiến tôi hình thành thú vui được vẽ vào một cuốn vở riêng tất cả các bản đồ sau mỗi tiết học địa. (Cuốn vở giờ vẫn được lưu trữ trong phòng truyền thống trường).
Năm lớp 10 (hệ 10 năm) chúng tôi học toán thầy Trần Chín. Điều thú vị là giờ học của những kiến thức khô khan, trĩu nặng suy tư tính toán ấy, vậy mà bằng sự vui tính cởi mở pha chút hài hước, thầy đã làm chúng tôi luôn thấy nhẹ nhàng, thích thú. Bài nào dài thầy cũng chỉ dạy lâu nhất khoảng 25 phút. Thời gian còn lại thầy cho chúng tôi trao đổi, đặt câu hỏi thắc mắc và làm bài tập.
Dạy toán nhưng thầy lại rất thích đọc sách, làm thơ. Hai bài thơ thầy tặng riêng tôi sâu sắc và xúc động lắm, tôi mãi còn lưu giữ như một kỷ vật vô giá.
Thầy Vũ Đức Chử không trực tiếp dạy tôi nhưng lại là “ân nhân” của tôi. Chính thầy đã hướng tôi đến với văn chương, chỉ bảo tôi viết những dòng văn đầu đời trong từng trang nhật ký, từng câu thơ “ngây ngô” thuở ấy. Hàng tuần thầy đưa tôi về nhà thỏa thích chọn những tập thơ, tập truyện mang về đọc ở giá sách khá đồ sộ của thầy.
Lễ cưới của tôi thầy không chỉ “xắn tay” lo liệu mọi thứ mà còn đứng ra trực tiếp làm chủ hôn đã góp phần cho buổi hôn lễ ấy ngập tràn không khí tưng bừng, xúc động chưa từng có nơi xóm nhỏ quê tôi.
Giờ xa thầy, xong mọi vui buồn lớn nhỏ, qua phương tiện thông tin tôi đều tìm đến thầy để chia sẻ như một người tri kỷ.
Dạy văn và làm chủ nhiệm lớp 10b chúng tôi là thầy Nguyễn Ngọc Lập. Tôi nhớ mãi những chiều sau buổi học thầy thường gọi tôi xuống bồi dưỡng thêm môn văn trước ngày đi thi học sinh giỏi tỉnh. Hai thầy trò mồ hôi nhễ nhại vẫn say sưa trong căn phòng chật chội của thầy.
Cuốn sổ chép những bài thơ thầy yêu thích của Tản Đà và các tác giả trong phong trào thơ mới (1930 - 1945) bao năm giấu nơi đáy valy, nay thầy lôi ra, duy nhất ưu tiên cho tôi cầm mang về nhà đọc, nhưng dặn phải “bí mật” không để ai biết. Hồi đấy những tác phẩm này coi như sách cấm, không được phép truyền bá. Cuốn sổ nhỏ ấy đã hút hồn tôi lúc nào không hay. Tôi mê mải đọc và chép nghiến ngấu những bài thơ tâm đắc vào sổ văn học của mình. Chính những bài thơ ấy đã khơi nguồn mở cửa cho tôi đến với thế giới thơ.
Không những hết lòng chăm lo cho việc học và vun trồng ước mơ cho tôi, thầy Lập còn giành sự quan tâm thiết thực cho gia đình tôi. Một chiều đông lạnh như cắt da, thầy đã tổ chức cho cả lớp 10b đến xóm tôi xới ải cho hợp tác xã để lấy điểm cho bố mẹ tôi. Cả làng ai cũng ngạc nhiên trầm trồ về nghĩa cử hiếm có ấy của thầy, của tập thể lớp 10b thân thương ngày đó.
Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hạp dáng cao, gầy, lưng hơi khòng, mái tóc bồng cao, bước đi khoan thai đầy nét hào hoa phong nhã. Những ngày mới vào trường đứa nào cũng khép nép sờ sợ khi thấy thầy. Song khi đã gặp rồi mới hiểu thầy thực sự gần gũi, thân thương lắm. Giọng thầy nhỏ nhẹ. Ánh mắt làn môi không lúc nào thiếu vắng nét cười cởi mở, nồng hậu. Lớp chúng tôi thật diễm phúc được thầy dạy văn một học kỳ. Ước mơ chuyển từ toán sang học tốt văn càng được thầy nhen nhóm, khơi nguồn, thắp sáng bởi những bài dạy cuốn hút, sâu đằm, thấm đẫm chất nhân văn, nghệ thuật mà cứ nhẹ nhàng như rót mật vào… tim.
Tôi nhớ mãi dịp đó đang giữa đông. Bài làm 2 tiết tại lớp, kiến thức nhiều nên phải viết nhanh cho kịp giờ nộp, bàn chân lại cứng đơ đơ khi cầm bút, song không thể chậm trễ, thế là tôi buộc phải mím môi phóng bút viết cho bằng xong. Nộp bài rồi tôi cứ hồi hộp lo lo không biết thầy có đọc nổi chữ của mình không.
Tuần sau trả bài, tôi không sao quên nét mực rực đỏ thầy ghi ở ô lời phê: “Văn viết có hồn. Ý mạch lạc. Em cố gắng sửa lại bút để viết cho rõ ràng hơn nhé!”. Và bài ấy tôi được điểm 4 (điểm 5 là cao nhất).
Tôi vô cùng xúc động khi biết thầy đã công phu, kiên nhẫn đến mức nào ngồi đọc cả một bài văn dài hơn 6 trang giấy khổ lớn của tôi với những dòng chữ như “gà bới” ấy, có chữ thầy phải luận mãi mới ra. Trong mớ chữ bòng bong rối rắm đó, thầy vẫn bình tĩnh nhận ra rất rõ những ý, những tình, những dòng chảy cảm xúc cuộn trào từ ngòi bút “khốn khổ” của tôi. Thực ra thì bút tôi vẫn bình thường. Thầy phê thế chỉ là cách tế nhị thầy khuyên tôi hãy cố gắng luyện rèn thêm “đôi chân kỳ diệu” để viết dễ đọc hơn, đỡ khổ cho các thầy khi chấm hơn.
Chao ôi, lời khuyên của thầy mới tinh tế, thấm ngọt vào trí não tôi lúc ấy biết chừng nào.
Khi chúng tôi học lớp 9, giặc Mỹ điên cuồng đem máy bay bắn phá miền Bắc. Trường chuyển sang học tối. Một hôm, buổi học vừa kết thúc thì trời sầm sập mưa. Các bạn nhà gần, có áo mưa về hết. Chỉ còn mình tôi với Nghiệp. Vì không mang áo mưa nhà lại xa tôi đành cố nán lại chờ tạnh. Nghiệp thương tình rủ tôi về nhà trọ của anh. Song tôi một mực không chịu. Hơn nửa giờ sau trời vẫn đổ nước như trút. Tôi càng nóng ruột. Bỗng một ánh đèn pin từ phòng tập thể của các thầy cô loáng loáng chiếu vào lớp tôi. Rồi ánh đèn ấy tiến dần về nơi cửa lớp chỗ tôi và Nghiệp đang đứng. “Sao Ký và Nghiệp vẫn chưa về được hả?”. Tôi giật mình nhận ra tiếng thầy Hạp.
Sau khi nghe Nghiệp trình bày, thầy nói luôn: “Thôi Ký ở lại ngủ với thầy cho tiện. Đi về trời tối lại mưa thế này, tay chân Ký thế không an toàn đâu”.
Thời điểm ấy mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều nhờ gia đình, giờ ở lại phải phiền đến thầy. Nghĩ vậy tôi càng khăng khăng một mực chối từ.
Không nói gì thêm, thầy lặng lẽ trở về khu tập thể. Chắc thầy giận tôi lắm? Biết sao được. Tôi đứng lặng nhìn vào khoảng đêm tối sẫm trong tiếng ầm ào của gió gào mưa rơi, lòng man mác nỗi buồn day dứt.
Chỉ một lát sau, tôi giật mình khi nhận ra bóng thầy quay lại: “Thôi bây giờ thế này. Ký không ở lại với Nghiệp, với thầy chắc có lý do nào đó không tiện nói ra. Áo mưa đây. Đèn pin của thầy đây. Nghiệp chịu khó đưa Ký về vậy. Khuya rồi. Hai em khẩn trương đi. Nghiệp nhớ dìu Ký đi cho cẩn thận nhé!”.
Tôi nhớ mãi những ngày mới vào trường. Một hôm thầy Hạp vào dự giờ văn của lớp. Tiết học tan cả lớp ùa ra sân chơi. Mình tôi vẫn loay hoay trên chiếc bàn nhỏ chật chội chừng nửa mét vuông, thấp ngang chiếc ghế băng đặt ngay cuối lớp ở giữa hai dãy bàn (do cha mẹ tôi nhờ cậu tôi đóng cho từ hồi vào cấp 2) thầy liền bước lại hỏi chuyện, rồi cúi xuống nhặt cuốn vở tôi vừa vô ý để rơi xuống đất xếp vào túi cho tôi. Xong xuôi, thầy đứng lặng ngắm chiếc bàn của tôi.
Dùng gang tay đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao của bàn một cách đăm chiêu, ngẩng lên thầy cười đôn hậu: “Có lẽ chiếc bàn này với Ký hơi chật phải không?”.
Một tuần sau, thật bất ngờ, tôi đến lớp thấy chiếc bàn mới còn thơm mùi gỗ thật “hoành tráng” đã thế vào chỗ chiếc bàn cũ của tôi. Chiếc bàn rộng hơn, dài hơn, chỗ viết được nâng cao hơn một chút so với chỗ ngồi, dưới gầm lại có chỗ để sách, phía sau có khung dựa lưng thật thoải mái.
Vâng, tôi hiểu, đó chính là món quà vô giá mà thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hạp, Trường cấp 3 Hải Hậu, đã công phu thiết kế, tặng tôi đúng vào những ngày tôi vừa bỡ ngỡ bước vào trường.
Khi tôi học lớp 10, thầy Hiệu trưởng Hoàng Trọng Thịnh (thầy Hạp chuyển làm Hiệu trưởng cấp 3 Lê Hồng Phong - Nam Định) tiếp tục lưu dấu trong tôi kỷ niệm không quên. Ngày tôi chuẩn bị lên đường học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1966, thầy cho gọi tôi và Vũ Như Cách (bạn thân cùng xã, học sau tôi một năm) đến gặp thầy tại trường. Thầy đã làm một việc tôi không ngờ. Thầy giao cho Cách trực tiếp dẫn tôi lên trường đại học với toàn bộ kinh phí do trường đài thọ.
Buổi sáng ngày tôi và Cách vừa xuất hiện ở cổng Trường Đại học Tổng hợp, 19 Lê Thánh Tông - Hà Nội, thì bất ngờ thầy Hoàng Đình Trìu (dạy Nga văn, rất vui tính, quê ở Huế) đã chờ sẵn ở đó từ lúc nào. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, thầy liền ôm tôi nói luôn: “Thầy lên để tiễn Ký đây!”. Tôi nghẹn ngào: “Nhà trường đã giao Cách giúp em rồi mà, sao thầy còn đi cho vất vả”. “Sau khi Ký, Cách đi rồi, nhà trường không an tâm. Thế là thầy Thịnh lại giao cho thầy lên tận trường xem tình hình nhập trường của Ký thế nào”. Cách liền băn khoăn hỏi luôn: “Vậy thầy lên đây bằng phương tiện gì ạ?”. “Bằng xe đạp!”. “Vậy là thầy đạp xe hơn 130 cây số suốt đêm qua?”. “Ừ, thời chiến mà. Với lại phải đi thế mới kịp gặp các em sáng nay chứ!”. “Chắc là thầy mệt lắm?”. “Có gì đâu. Thấy các em tới trường an toàn.
Gặp được phòng tổ chức của trường, khi trao đổi việc đưa Ký lên nhập học thầy cô nào cũng cảm động và vui vẻ hứa giúp đỡ Ký mọi mặt, thầy mừng lắm. Giờ chẳng còn thấy mệt là gì… À thầy quên. Đây là chút tiền thầy Thịnh gửi nói là trường tặng để Ký bù vào mua sách vở, giáo trình trong những ngày chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học”.
Thầy khẽ khàng bỏ chiếc phong bì nhỏ vào túi áo tôi. Tôi đứng lặng. Không nói được gì, chăm chắm nhìn thầy trong đôi mắt nhòa lệ.
NGUYỄN NGỌC KÝ
(Nhà giáo Ưu tú, nhà thơ Việt Nam đầu tiên viết bằng chân)