MSC lần thứ 60: Tập trung vào các điểm nóng xung đột

Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 diễn ra từ ngày 16 đến 18-2 tại TP Munich, thủ phủ bang Bavaria, Đức. Tham dự có nhiều chính khách như tổng thống, bộ trưởng cấp cao, các nhà ngoại giao, quan chức quốc phòng và tình báo cùng các học giả.

Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đức dự MSC lần thứ 60. Ảnh: SALTWIRE.COM
Thủ hiến bang Bavaria Markus Soeder đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Đức dự MSC lần thứ 60. Ảnh: SALTWIRE.COM

Cơ hội hàn gắn

Theo Reuters, MSC có sự tham dự của giới tinh hoa quốc phòng và an ninh thế giới, thậm chí được gọi là “Davos dành cho quốc phòng”. MSC năm nay khai mạc vài ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ hai ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (23-2) và 4 tháng sau khi bắt đầu cuộc chiến Israel - Hamas, kéo theo gia tăng bất ổn trên khắp Trung Đông.

Vì vậy chủ đề chính của MSC lần thứ 60 không gì khác ngoài việc tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine và cuộc chiến Israel - Hamas tại Dải Gaza. Trên hết là nguy cơ xung đột từ châu Âu và Trung Đông lan sang toàn cầu. Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, các cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc sau một thời gian dài nguội lạnh đã mở ra triển vọng hàn gắn giữa hai nước, tạo nên điểm sáng tại MSC lần thứ 60.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề MSC. Theo bộ trên, đây là nỗ lực nhằm tăng cường các tiếp xúc cấp cao sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai bên gia tăng liên quan đến một loạt vấn đề, trong đó có các hạn chế thương mại. Theo tờ Politico, hai ngoại trưởng có thể sẽ thảo luận việc thu xếp một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Quan điểm của Đức

Theo Báo cáo An ninh Munich công bố trước thềm MSC lần thứ 60, người Đức hiện coi các vấn đề như di cư và mối đe dọa từ Hồi giáo cực đoan là mối lo ngại trước mắt hơn là mối đe dọa từ Nga. Báo cáo dựa trên cuộc thăm dò ý kiến của 12.000 người tại 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tiến hành cuối năm 2023.

Trong khi Nga được coi là mối đe dọa số một ở Đức trong Chỉ số An ninh Munich năm 2023, thì giờ đây, vấn đề này đã tụt xuống vị trí thứ 7. Mối đe dọa do chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan gây ra đã lên vị trí thứ 2, so với vị trí thứ 16 năm 2023. Di cư ồ ạt do chiến tranh hoặc biến đổi khí hậu, đứng thứ 2 vào năm 2023, hiện đứng ở vị trí số 1. Kết quả thăm dò còn cho biết phần lớn người dân ở các quốc gia G7 tin rằng đất nước của họ sẽ kém an toàn và giàu có hơn trong 10 năm tới. Nhưng triển vọng của khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được người dân các nước này đánh giá tích cực hơn. Theo ông Christoph Heusgen, Chủ tịch MSC, nhìn chung, sự bất mãn với tình hình kinh tế thế giới ngày càng gia tăng.

Báo cáo An ninh Munich cho thấy cạnh tranh và nhu cầu an ninh ngày càng chiếm ưu thế trong thế giới ngày nay. Trên toàn cầu, sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị đã khiến niềm tin lung lay. Dòng vốn phương Tây đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang các đối tác khác. Các dòng chảy thương mại cũng đang có dấu hiệu tái cơ cấu theo đường ranh giới địa chính trị.

Tin cùng chuyên mục