Rất, rất nhiều người thân quen của chúng tôi gởi email, nhắn tin và gọi điện thoại giới thiệu “ngôi chợ” mà bạn của chúng tôi vừa xây trên mạng. Ở đó như một siêu thị, từ mua bán online hàng hóa gia dụng, đồ điện tử đến voucher ăn uống, du lịch… và thậm chí biết chúng tôi có con nhỏ, giới thiệu luôn gian hàng áo quần trẻ con. Với những gian hàng thân quen, thuận mua vừa bán xem như đã xong, nhưng thực tế có không ít người “dính đòn” khi mua bán qua mạng, cay đắng hơn là không biết kêu ai.
Ngậm đắng... cho qua chuyện
Có trường hợp, khách hàng của Nhommua gần như bị bỏ mặc, chị L.Xuân, một khách hàng tại quận 3, TPHCM sau khi mua voucher đi ăn ở một nhà hàng tại quận 1 liền bị nhà hàng từ chối do voucher không sử dụng được. Và, khi chị gọi lên hỗ trợ nhằm đòi lại tiền mặt mình đã bỏ ra mua voucher, thì hỗ trợ lại giải quyết theo kiểu trả tiền đó vào tài khoản trên Nhommua. Điều này đồng nghĩa với tiền mặt của chị L.Xuân “đóng băng” trong tài khoản đó… Không ít người tiêu dùng cũng gặp trình trạng như chị L.Xuân.
Với khách hàng của Nhommua, đi kiện cũng khó. Một số luật sư cho biết, nếu người dùng đã mua sản phẩm tại Nhommua, nhưng khi sử dụng không được thì hoàn toàn có thể kiện ra tòa và tòa án sẽ đề nghị bên phía Nhommua bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế của việc thực hiện một vụ kiện để tòa thụ lý là rất khó, bởi thiệt hại của người dùng phải từ 500.000 đến 2 triệu đồng, nhưng đa số các sản phẩm mà người dùng mua đều là sản phẩm có khuyến mãi và nhiều voucher giá trị thấp. Đáng nói hơn, khi vụ việc xảy ra, rất ít người bỏ thời gian ra kiện tụng vì mất thời gian, phiền phức... nên đa phần khách hàng ngậm đắng cho qua chuyện.
Với những món tiền lớn hơn, khách hàng chỉ biết… khóc. Trước đây, chúng tôi đã nhận được đơn tố cáo của chị Phương Trang ngụ tại Đà Nẵng khi mua một chiếc mua iPhone 4. Chị Trang tìm thấy số điện thoại của chủ cửa hàng bán điện thoại qua thông tin trên Internet để liên lạc (0909 065… tên là Sơn) và được người này đề nghị phải chuyển 20% số tiền đặt cọc để mua điện thoại iPhone 4 với giá 12.000.000 đồng rồi sau đó anh Sơn sẽ cho nhân viên chuyển hàng.
Thực hiện đúng lời của Sơn, nhưng sau đó chị Trang lại được Sơn cho biết: “Do nhầm, không biết quy định mới của cửa hàng là phải đặt cọc 40% thì cửa hàng mới chuyển hàng cho khách hàng”, thế là chị Trang gửi tiếp 2.000.000 đồng vào tài khoản của Sơn tại Ngân hàng Vietinbank. Ngay sau đó, Sơn điện cho chị Trang nói sẽ có nhân viên giao hàng tận nhà… nhưng với điều kiện phải tiếp tục chuyển cho Sơn 7.000.000 đồng, số còn lại 1.000.000 đồng khi nào nhân viên giao hàng tới sẽ gửi nốt. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy ai đến giao hàng và liên lạc với Sơn cũng không được… khi chị Trang đó mới biết mình bị lừa. Thì ra Sơn mở một “tiệm tạp hóa” trên trang nava@nct.vn để tạo lòng tin mua bán qua mạng rồi lừa đảo. Ngay chính chúng tôi cũng liên lạc với Sơn để mua iPhone 4 và cũng nhận được hình thức “gài bẫy” tương tự như kiểu của chị Trang, chỉ khác khi chúng tôi nói đang ở TPHCM thì Sơn nói hàng của anh ta đang ở Bình Dương, và khi dùng số điện thoại khác để liên lạc với Sơn, nói rằng đang ở Bình Dương cần mua iPhone 4 thì Sơn nói rằng anh ta đang ở Cần Thơ… Tức là Sơn luôn tránh gặp trực tiếp để “tiện” lừa đảo.
Đây chỉ là vài trong hàng ngàn trường hợp ngậm đắng cho qua chuyện khi “dính đòn” mua bán qua mạng. Thế nhưng đó chưa phải là hết…
Cũng lộn xộn không kém...
Sự phát triển ồ ạt của hình thức mua bán trực tuyến cho thấy đã đáp ứng khá tốt nhu cầu “nhanh, rẻ, tiện lợi” của người tiêu dùng và nó cũng thể hiện xu hướng tận dụng công nghệ để làm ăn, đây là một hình thức mới. Như với “chủ chợ”, thành công không phải là chuyện dễ như “click chuột”. Thị trường đã thấy những cú ngã ngựa đau thương và sự cạnh tranh khốc liệt. Phát súng đầu tiên, gây chú ý trong năm 2012 là khi VNG tuyên bố đóng cửa Zing Deal - website cùng mua của công ty này vào hồi tháng 2. Dù chỉ chiếm khoảng 1% thị phần mua theo nhóm, nhưng việc Zing Deal đóng cửa lại khiến nhiều người hụt hẫng. Bởi VNG vốn là một công ty công nghệ lớn tại Việt Nam, có tiềm lực tài chính và cơ sở hạ tầng công nghệ hỗ trợ… nhưng đành nói lời tạm biệt. Kế đó, nhiều website mua theo nhóm khác như Vndoan, muanhanh, chaygia, sweatdeal,… cũng phải ngừng lại hoặc cắt giảm hoạt động.
“Bộ mặt thật” của mua bán trên mạng càng lộ rõ hình hài sau khi một số website như muaban24..., shop360... bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Đây thực chất là bán hàng đa cấp trá hình núp bóng danh nghĩa sàn thương mại điện tử, rất nhiều người, mà đa số là sinh viên, hoặc những người thiếu hiểu biết đã đổ tiền vào đây. Bên cạnh đó, việc trang web Muaban24 bán hàng đa cấp mạo danh TMĐT đã khiến những trang web làm ăn chân chính bị vạ lây vì khiến cho nhiều người hiểu sai về hình thức kinh doanh hiện đại này... Một thống kê mới đây của Bộ Công thương cho thấy, ngoài Muaban24 thì còn 38 website khác cũng đang hoạt động theo mô hình này.
Rõ ràng thuận bán vừa mua chưa chắc đã xong. Hiện, ngay trước mắt, Nhommua cho thấy sẽ bồi thường cho khách hàng nếu khách mua voucher không thanh toán được… Nhưng sự việc này sẽ khiến những người mua hàng online cẩn trọng hơn và phần nào đó uy tín của Nhommua đã giảm sút nghiêm trọng.
>>Mua bán online - “Cuộc chiến” của người bán lẫn người mua. Bài 1: Click chuột mua hàng
Bá Tân - Tường Hân