Mua bán online - “Cuộc chiến” của người bán lẫn người mua. Bài 1: Click chuột mua hàng

Mua bán online thu hút giới trẻ
Mua bán online - “Cuộc chiến” của người bán lẫn người mua. Bài 1: Click chuột mua hàng

Sự việc có phần nghiêm trọng khi mới đây hàng ngàn khách hàng của Nhommua chưa biết quyền lợi của mình sẽ ra sao khi tham gia vào mạng mua bán này, dù mới đây Nhommua tuyên bố sẽ bồi thường cho khách hàng nếu voucher không thanh toán được; và chuyện “đấu đá nội bộ” tại Nhommua như một trong những chiếc bóng nổ tung, nhắc nhở người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi click chuột để mua hàng… Từ vụ việc này cũng là lúc cũng cần có một cái nhìn toàn cảnh trước “xu hướng” mua bán online đang bùng phát hiện nay, nhất là trong bối cảnh những quy định pháp luật của “ngành” này còn thiếu và khó xử lý.

Trang 123.vn trong lần ra mắt người tiêu dùng.

Trang 123.vn trong lần ra mắt người tiêu dùng.

Mua bán online thu hút giới trẻ

Tạm gác chuyện “ồn ào” của Nhommua sang một bên vì đến nay 3 nhà đầu tư lớn là IDG Ventures Vietnam, Reabate Networks, ru-Net và ông Tom Trần (vốn là CEO của Nhommua) đã có được những thỏa thuận trước mắt trong điều hành Nhommua... Ngược thời gian, hình thức mua bán qua mạng tại Việt Nam chỉ được nhắc đến khi “gã khổng lồ” eBay bắt tay cùng đơn vị Chodientu. Khi đó những tưởng đây là bước đi mạo hiểm bởi phương thức mua bán online chưa bao giờ là thói quen của người dùng Việt. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau đó, hàng loạt các thương vụ đầu tư lớn đã đổ vào thị trường, bức tranh thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trở nên sôi động, khái niệm mua hàng trực tuyến cũng bắt đầu lan tỏa đến từng người, từng nhà.

Không giấu nổi vẻ hồ hởi, chị Nguyễn Thị Duyên (27 tuổi, kế toán của một công ty tại quận 8, TPHCM) khoe với chúng tôi voucher mà chị vừa sở hữu trên website Cungmua với giá gần 2 triệu đồng (giá thực tế là hơn 4 triệu đồng), là voucher chuyến du lịch Đà Lạt mùa Giáng sinh tại một khách sạn 3 sao bao gồm dịch vụ khách sạn, các suất ăn và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp...

Theo chị, trong thời điểm “lễ tết” như thế này, kiếm được suất du lịch không phải dễ, nhất là với giá khá mềm cho chuyến đi gần như trọn gói. Đây chỉ là một trong hàng trăm ngàn người đang từng ngày, từng giờ săn tìm voucher trên mạng. Ghi nhận thực tế thấy rõ, lựa chọn phương thức mua sắm qua mạng như trên được nhiều đối tượng trẻ, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng đặc biệt ưa chuộng. Các voucher thường rất đa dạng bao gồm giày dép, quần áo, hàng điện tử - gia dụng đến cả… những chuyến du lịch trong và ngoài nước. Thông thường, những voucher được quảng cáo rẻ hơn giá gốc từ 50% - 80% nếu đủ số lượng người cùng mua theo quy định. Và dĩ nhiên, với tâm lý chuộng hàng rẻ, lại đặt niềm tin vào những sản phẩm được nhiều người lựa chọn, loại hình mua hàng trực tuyến trở thành chợ di động đối với phần lớn các chị em.

Tiện lợi và giá rẻ khiến nhiều người lao vào mua hàng trên mạng và cũng sản sinh ra hàng trăm hình thức bán hàng qua mạng. Cá nhân, vốn nhỏ thì làm gian hàng giới thiệu trên các mạng xã hội; một nhóm người thì hùn vốn, làm một trang mua bán riêng; quy mô hơn là thành lập cả công ty… Mô hình mua hàng trực tuyến theo nhóm xuất hiện tại Việt Nam cuối năm 2010, nhưng nở rộ vào năm 2011 với hơn 90 website cung cấp dịch vụ này. Những website nổi bật kinh doanh theo mô hình này tại nước ta có thể kể đến như muachung, hotdeal, nhommua, cungmua, cucre…, còn các trang mua bán nhỏ lẻ thì nhiều vô kể.

Một thống kê của dealcuatui.com cho thấy, doanh số toàn thị trường năm 2011 của dịch vụ mua hàng theo nhóm đạt hơn 670 tỷ đồng với hơn 4,6 triệu voucher và 7.600 deal. Một số công ty trung bình đạt trên dưới 100 deal hàng ngày, lúc cao điểm như cuối năm có lúc đạt 200 sản phẩm và dịch vụ hàng ngày. Tập đoàn Alibaba.com (Trung Quốc) cũng ghi nhận, số thành viên Việt Nam gia nhập sàn thương mại điện tử này cũng đạt con số 150.000 vào cuối năm 2011.

Khách hàng trải nghiệm mua sản phẩm trên 123.vn.

Khách hàng trải nghiệm mua sản phẩm trên 123.vn.

Thu hút đầu tư nước ngoài

Xuất hiện tại Việt Nam hơn 10 năm trước, nhưng khái niệm thương mại điện tử chỉ được ghi nhận bằng hợp tác giữa Tập đoàn eBay và ChợĐiệnTử.vn vào năm 2008. Sau đó 2 năm, eBay đã mua 20% cổ phần của Công ty PeaceSoft (đơn vị chủ quản của ChợĐiệnTử.vn) với mục tiêu phát triển công ty trở thành đơn vị dẫn đầu trong thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, gây đình đám nhất phải kể đến IDG Ventures Việt Nam khi công bố sáp nhập 2 công ty CNTT là Nhóm Mua (nhommua.com) và Địa Điểm (diadiem.com) thành tập đoàn MJ Group. Đi kèm theo việc sáp nhập này là thỏa thuận đầu tư trị giá 60 triệu USD của IDG Ventures Việt Nam, Rebate Networks, ru - Net Global vào MJ Group, với mục tiêu trở thành tập đoàn TMĐT lớn trong ngành CNTT.

Đến đầu năm nay, Công ty TNHH MTV Giờ Giải Lao được thành lập, đưa Lazada và Zalora - thương hiệu của trang bán hàng trực tuyến khá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á vào hoạt động tại Việt Nam. Điểm đặc biệt của công ty này là khả năng cung cấp đa dạng các mặt hàng từ giày dép, quần áo đến các sản phẩm điện - điện tử, CNTT. Ngoài ra, để phù hợp với thị trường Việt Nam, đơn vị này cũng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ thanh toán đa dạng bao gồm cả thẻ Visa và tiền mặt cho các khách hàng có nhu cầu. Từ đó, chỉ sau 8 tháng hoạt động, Lazada đã cán mức 10 triệu lượt khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Sự tấn công ồ ạt của các công ty TMĐT nước ngoài đã làm tỉnh dậy ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Đầu tiên phải kể đến Công ty VNG. Sau khi thử nghiệm thành công website 123mua.vn, cuối tháng 10, VNG âm thầm ra mắt website TMĐT 123.vn, hoạt động theo mô hình kinh doanh B2C (Business to Customer), chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng. Để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực mới này, VNG đã tuyển dụng hơn 250 nhân viên, thuê kho bãi và văn phòng đồ sộ. Riêng với những đơn vị đã đi đầu trong lĩnh vực này như Công ty PeaceSoft, đơn vị sở hữu Chodientu.vn cũng sẵn sàng thay đổi mình. Cụ thể, để xử lý khâu thanh toán, PeaceSoft phối hợp với Ngân hàng Sacombank và CyberSource thuộc Tổ chức Thẻ quốc tế VISA, trở thành Cổng thanh toán Thẻ quốc tế cấp một. Tiếp theo đó là thay đổi hàng loạt các phương thức mua bán và thanh toán để bắt kịp với các doanh nghiệp nước ngoài…

Một thị trường ồn ào, náo nhiệt đã hình thành và nơi đó cũng cạnh tranh sống chết, ngậm đắng chịu thiệt cũng là chuyện thường…

Bá Tân - Tường Hân

Tin cùng chuyên mục