Mùa... đào đường

Vẫn như mọi năm, vào thời điểm cuối năm, khi đến mùa kinh doanh đón tết thì cũng vào mùa... đào đường. Tại TPHCM, đồng loạt nhiều công trình hạ tầng đô thị thi công để kịp giải ngân. Khổ nỗi, vì chạy đua với thời gian hay do năng lực nhà thầu mà những công trình đào đường khiến đất trời nổi bụi.
Mùa... đào đường

Vẫn như mọi năm, vào thời điểm cuối năm, khi đến mùa kinh doanh đón tết thì cũng vào mùa... đào đường. Tại TPHCM, đồng loạt nhiều công trình hạ tầng đô thị thi công để kịp giải ngân. Khổ nỗi, vì chạy đua với thời gian hay do năng lực nhà thầu mà những công trình đào đường khiến đất trời nổi bụi.

Thi công trên đường Đoàn Thị Điểm (phường 1, quận Phú Nhuận): lòng đường thành nơi tập kết vật tư.

Khổ vì công trình đào đường

Vỉa hè trước cổng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) đang phẳng phiu, vậy mà chỉ một đêm, sáng ra, phụ huynh đưa con đến trường bỗng ngạc nhiên vì thấy ở mỗi gốc cây là một đụn cát, gạch đá lổn ngổn, các ống cáp ngầm ngóc đầu, quấn quanh gốc cây như những con trăn. Giờ tan trường, vỉa hè không còn lối đi, học sinh phải cẩn thận mon men từng bước để tránh té vào đống gạch đá.

Sau khi tìm hiểu, được cư dân tại đây cho biết “Hôm trước mấy ông đào đường đặt cáp điện lực rồi bỏ đến nay”, chúng tôi đã đến gặp ông Phạm Vương Tri Kỷ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Chợ Lớn, đơn vị chủ đầu tư công trình. Nghe chúng tôi hỏi, ông móc điện thoại ra bấm bấm: “Sao sáng nay 9 giờ mời đến làm việc mà chẳng ai tới vậy?”. Kết thúc cuộc gọi, ông cau có than: “Tôi không hiểu nhà thầu này làm ăn kiểu gì. Mấy hôm trước đã lập 2 biên bản và một công văn nhắc nhở rồi, bây giờ thi công nửa chừng, đất đá lại bày ra đó!”.

Được biết, đây là công trình ngầm hóa lưới điện tuyến Hùng Vương - Hồng Bàng do Công ty TNHH Xây dựng điện nước Thiên Việt trúng thầu thi công. Liên tiếp trong 3 ngày 3, 4 và 5-11, phía đầu tư đã lập 2 biên bản và gửi một công văn nhắc nhở nhà thầu này về cung cách thi công không đúng như cam kết. Ông Kỷ nói: “Ngày 5-11 chúng tôi lập biên bản xong thì đến tối hôm ấy nhà thầu bắt tay thi công, nhưng sang ngày 6-11 thì… nghỉ và đống đất trước Trường Hồng Bàng anh thấy là vậy đó!”.

Còn trên đường Phan Đăng Lưu - đoạn từ ngã tư Phú Nhuận hướng về chợ Bà Chiểu - ngày 12-11 bỗng bụi mù mịt do đơn vị thi công cắt mặt đường để lắp đặt ống cấp nước. Vết cắt như lưỡi dao rọc suốt mặt đường. Đoạn đã thi công chỉ được tái lập vội vã, đoạn chưa thi công thì bụi tung lên sau vết cắt. Cả một đoạn đường bụi mù, nhiều người đi đường phải vội lấy tay che mặt.

Trong ngõ hẻm cũng xới tung

Hẻm 80 đường Hoàng Hoa Thám (phường 7, quận Bình Thạnh) là một con hẻm đẹp, yên tĩnh. Thế nhưng mấy ngày nay đường hẻm bị đào lên để lắp đặt ống cấp nước. Chuyện chắc không có gì ồn ào nếu như cách thi công cẩn thận, tươm tất.

Một bạn đọc cư ngụ trong con hẻm này gọi đến đường dây nóng Báo SGGP than phiền: “Họ đào lên 2 ngày nay rồi lấp đá sơ sài như vậy đó!”. Mặt đường, đá dăm mi lổn nhổn, vải kỹ thuật lót bên dưới chỗ nổi chỗ chìm rồi… bỏ đó! Ngay góc ngã rẽ vào nhà số 80/9, một đống đá dăm mi đổ lù lù suốt 2 ngày nay, áng gần hết lối đi lại của người dân.

Đường Đoàn Thị Điểm (phường 1, quận Phú Nhuận) là con đường nhỏ, với những dãy nhà phố khang trang, mặt đường tráng nhựa phẳng phiu. Nhưng gần 5 ngày nay, một nhà thầu đã đưa quân đến đây đào đường lắp ống cấp nước. Không biển báo, không rào chắn, đào đường cả ban ngày. Ban đêm, con hẻm yên tĩnh bỗng náo động vì tiếng máy cắt mặt đường, tiếng máy lu lèn đá…

Trưa 12-11, người dân trong hẻm đã khốn khổ vì bụi và tiếng ầm ầm của chiếc máy lu lèn đá. Gần đó, chỉ cách UBND phường vài mét là những đống đá, cát tràn xuống lòng đường. Khi được hỏi, một công nhân đang xúc cát tại đây lắc đầu nói: “Mấy ông giám sát không có ở đây, em đâu biết gì mà trả lời!”.

Vẫn biết thi công công trình công cộng thì khó tránh khỏi gây phiền hà cho cư dân và người qua đường, nhưng vấn đề người dân bất bình là các nhà thầu làm quấy quá, mà không ai kiểm tra nhắc nhở, xử lý, bỏ mặc người dân phải chịu đựng khốn khổ. Nếu ở ngoài đường lớn, các đơn vị thi công lôm côm, để đất đá tràn lan có thể sẽ bị thanh tra giao thông “hỏi thăm”, nhưng thi công các công trình đào đường trong hẻm thì nhà thầu tự cho mình “muốn làm gì thì làm”, bất chấp quy định xử phạt khá gắt gao như thi công phải có biển báo, rào chắn, đúng thời gian quy định…

Người dân mong mỏi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng nên “để mắt” đến các công trình đào đường. Nếu được như vậy, chắc chắn người dân không phải lo lắng với tiếng ồn, bụi bặm và sự an toàn khi đi lại trên đường.

CÁT TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục