Cập nhật từ văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vào tối nay 12-12 cho biết, 13 người bị thiệt mạng bao gồm Quảng Trị: 2 người bị lũ cuốn trôi vào cống, Thừa Thiên Huế có 1 người chết khi đi qua tràn bị nước cuốn trôi, Quảng Nam có 4 người do đi trên đường bị nước lũ cuốn trôi, Quảng Ngãi có 1 người bị điện giật khi gia cố lại chuồng vịt, Bình Định có 5 người chết trên đường đi lại bị lũ cuốn trôi. Có 1 người hiện vẫn mất tích là ở Quảng Ngãi.
Mưa lũ đã làm 8 ngôi nhà bị sập và 33.527 nhà bị ngập nước, trong đó nặng nhất là ở Quảng Nam, Bình Định. Gần 6.000 hộ phải di dời khẩn cấp.
Ngoài ra, mưa lũ tàn phá, làm ngập nặng hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi, đê biển, các khu vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của bà con miền Trung.
Do tình hình mưa lũ còn lan rộng và khác thường, chiều 12-12, Ban chỉ đạo Trung ương đã ra công điện số 59 gửi các bộ có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai hàng loạt nhiệm vụ cụ thể để ứng phó, sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Khôi phục sản xuất tại khu vực bị ngập, trồng mới lại cây rau màu ngắn ngày ở những vùng an toàn và rải vụ phù hợp để tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu rau vào dịp Tết Nguyên đán.
Bộ Công thương được yêu cầu chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành đảm bảo an toàn công trình trong mọi tình huống. Chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trực thuộc sẵn sàng cung cấp đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu, điều tiết thị trường tránh tình trạng thiếu hàng hóa hoặc bị tăng giá.
Bộ Giao thông - vận tải có phương án đảm bảo sinh hoạt cho hành khách trong trường hợp giao thông bị ách tắc. Bộ Y tế chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ thuốc, hoá chất lọc nước cho các địa phương vừa bị thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ tiếp theo.