Mùa mưa bão năm 2015: El Nino khống chế mùa mưa Nam bộ

- Phóng viên:
Mùa mưa bão năm 2015: El Nino khống chế mùa mưa Nam bộ

So với cùng kỳ năm ngoái, mùa mưa bão năm 2015 tại TPHCM và khu vực Nam bộ được dự báo sẽ có ít mưa hơn nhưng bão lại nhiều hơn. Đó là ghi nhận trong cuộc trao đổi hồi cuối tuần qua của chúng tôi với ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ.

Một cơn mưa vào tháng 5 đã gây ngập nhiều tuyến đường tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH

- Phóng viên: Mùa mưa năm 2015 đến trễ ở TPHCM và khu vực Nam bộ, vì mãi đến giữa tháng 5 mới có mưa. Ông có thể nói gì về điều này?

>> Ông Đặng Văn Dũng: Một cách chính xác thì cho đến nay chỉ mới có khu vực TPHCM và miền đông Nam bộ là đã bước vào đầu mùa mưa trong khi các tỉnh miền Tây Nam bộ tuy có mưa rải rác vài nơi nhưng chưa đều khắp như ở miền Đông Nam bộ. Nói cách khác, miền Tây Nam bộ chỉ thực sự bước vào mùa mưa từ tuần này (từ thứ hai 25-5). Về thời điểm, đúng là năm nay mưa đến trễ hơn so với năm 2014. Năm ngoái, vào thời gian này đã có mưa đều toàn khu vực Nam bộ.

Về mặt chuyên môn, có hai nguyên nhân khiến cho năm nay mưa đến trễ hơn năm ngoái. Đó là do gió mùa Tây Nam chỉ hoạt động ở tầng thấp, tầng gần mặt đất và cũng chưa ổn định. Nguyên nhân thứ hai là do áp cao cận nhiệt đới không chế ở trên cao.

- Mùa mưa năm 2015 được dự báo sẽ có những diễn biến đáng chú ý nào?

Để hiểu rõ vấn đề, trước hết chúng ta cũng cần làm quen với những khái niệm về cấp độ mưa. Ngành khí tượng phân loại cấp độ mưa tương ứng theo lượng mưa. Cụ thể, khi lượng mưa từ 0,3mm đến dưới 3mm thì được gọi là mưa nhỏ; từ trên 3mm đến dưới 8mm gọi là có mưa; từ trên 8mm đến dưới 25mm gọi là mưa vừa; từ trên 25mm đến dưới 50mm là cấp độ mưa to, còn từ trên 50mm trở lên gọi là cấp độ mưa rất to. Theo dự báo của chúng tôi, năm nay tổng lượng mưa chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm, không loại trừ có những trận mưa đột biến, tức là mưa to đến rất to. Chúng tôi cho rằng El Nino sẽ khống chế toàn mùa mưa năm nay ở Nam bộ mặc dù El Nino năm nay không mạnh.

Tuy chỉ mới vào đầu mùa mưa nhưng khu vực TPHCM đã có những nơi xảy ra mưa rất to. Cụ thể trong ngày chủ nhật 17-5 đã có mưa trên diện rộng ở TPHCM và miền Đông Nam bộ với lượng mưa đo được tại một số nơi như sau: tại Định Quán - Đồng Nai lượng mưa đo được là 41mm; tại Tân Uyên - Bình Dương là 41,5mm; tại Đồng Xoài - Bình Phước là 27mm, tại Thủ Đức - TPHCM là 79mm tức cấp mưa rất to; tại Vũng Tàu là 32mm. Ở khu vực miền Tây Nam bộ mưa chưa đều khắp, chỉ rải rác ở vài tỉnh như tại Long Phú - Sóc Trăng là 38mm; tại Hà Tiên - Kiên Giang là 36mm và tại Gành Hào - Bạc Liêu là 33mm.

Đặc biệt, người dân cần lưu ý trong khoảng thời gian cuối tháng 5 và đầu tháng 6 cần đề phòng dông lốc mạnh kèm theo sét, lốc xoáy và kể cả mưa đá. Mưa đá ở Nam bộ là một hiện tượng thời tiết đáng quan tâm khác. Bởi vì trước đây ở miền Nam không hề có mưa đá nhưng trong vài ba năm gần đây thì hiện tượng này đã xuất hiện và xuất hiện khá thường xuyên.

- Tình hình bão được dự báo thế nào, thưa ông?

Nếu như năm 2015 mưa ít hơn so với năm ngoái thì bão lại sẽ nhiều hơn. Trong năm 2014 có 7 cơn bão ở biển Đông, trong đó có 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Còn năm nay dự báo có khoảng 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển Đông, trong có sẽ có khoảng 5 cơn là có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Về thời gian, chúng tôi dự báo các cơn bão sẽ tập trung xảy ra trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch. Liên quan đến dự báo bão, có lẽ cũng cần lưu ý người dân rằng trong những năm gần đây, bão thường là bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp. Năm 2015 dự báo cũng không ra ngoài tình hình chung ấy.

- Những sự bất thường về thời tiết như ông vừa dự báo, mưa ít hơn, bão nhiều hơn và bão lại mạnh hơn cũng như có hướng di chuyển phức tạp, ông có cho rằng toàn bộ những điều ấy có liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu?

Về mặt nguyên tắc, mặc dù biến đổi khí hậu cũng là tác nhân gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa thể khẳng định được những khác thường về mưa và bão ở Việt Nam nói chung và Nam bộ nói riêng có phải do biến đổi khí hậu gây ra hay không. Nói cách khác phải cần thêm một thời gian theo dõi, thống kê nữa mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

- Cám ơn ông.

Thiện Nhân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục