Mua sắm cuối năm: Cảnh giác hàng giả, kém chất lượng

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng ồ ạt thâm nhập thị trường, hoành hành trên phạm vi cả nước, gia tăng cả về số lượng và chủng loại. Bạn đọc Báo SGGP đã bức xúc lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này.
Mua sắm cuối năm: Cảnh giác hàng giả, kém chất lượng

Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm các loại hàng giả, hàng kém chất lượng ồ ạt thâm nhập thị trường, hoành hành trên phạm vi cả nước, gia tăng cả về số lượng và chủng loại. Bạn đọc Báo SGGP đã bức xúc lên tiếng cảnh báo về vấn nạn này.

  • Đừng nhẹ dạ trước các chiêu khuyến mãi

Dịp cuối năm, hàng loạt dịch vụ khuyến mãi sản phẩm được tung ra thị trường, trong đó nhiều sản phẩm dịch vụ kém chất lượng. Người bán kích cầu bằng chiêu “giảm giá, khuyến mãi lớn”, nhưng thực chất chất lượng sản phẩm không được tốt. Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng chuộng hàng giảm giá, khuyến mãi, người bán đưa ra các sản phẩm hoặc dịch vụ kèm theo khá hấp dẫn, làm cho người tiêu dùng bị ngợp và nhanh chóng chấp nhận mua về mà chưa kịp suy tính để thấy rằng suy cho cùng, số tiền mà mình phải trả chính là tổng giá trị của mặt hàng cần mua lẫn sản phẩm - dịch vụ khuyến mãi. Hơn nữa các sản phẩm - dịch vụ do các nhân viên tiếp thị tận nhà thường là hàng hết thời hạn sử dụng hoặc kém chất lượng.

Do vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác, tránh mua hàng ở những nơi không bảo đảm uy tín thương hiệu, nhất là hàng tiếp thị tận nhà, tốt nhất hãy đến các siêu thị, hoặc đến các cửa hàng đại lý ủy quyền để có được sản phẩm tốt nhất. Không để bị hoa mắt vì hàng khuyến mãi kèm theo, nếu quá chú tâm đến những mặt hàng kèm theo, người mua sẽ bị phân tán sự chú ý, ham rẻ mà không mua được hàng thật. Đối với mặt hàng thực phẩm, nên kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi mua hàng. Khi lựa chọn sản phẩm, phải xem kỹ nhãn mác, ngày sản xuất, ngày hết hạn. Tại các quầy hàng giảm giá trong dịp tết, nếu là hàng chính hãng được giảm giá, tặng quà, bao giờ cũng có những giấy tờ chứng minh. Cẩn trọng xem xét như vậy mới có thể mua được những mặt hàng thật, giá phù hợp mà chất lượng cao.

NGUYỄN VĂN CÔNG
(Biên Hòa, Đồng Nai)

  • Nâng sức đề kháng với hàng giả

Trong mùa mua sắm cuối năm, trên thị trường xuất hiện rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Lực lượng quản lý thị trường đã liên tục phát hiện, xử lý hàng loạt vụ sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng. Hàng giả, hàng nhái đang được sản xuất rất tinh vi, giống hàng thật đến mức mắt thường khó nhận ra.

Điều đáng nói là các mặt hàng bị làm giả, làm nhái lại là những mặt hàng liên quan mật thiết đến đời sống của người dân như sữa, bánh kẹo, mỹ phẩm... Thị trường chủ yếu của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là các vùng nông thôn, những khu công nghiệp, khu chế xuất. Giá cả những mặt hàng giả, hàng nhái luôn rẻ hơn so với hàng thật cùng chủng loại, do đó dễ thu hút người tiêu dùng. Cũng có khi người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái nhưng ham rẻ nên vẫn mua sử dụng mà không màng đến sức khỏe lâu dài. Ngoài ra, do các địa phương thiếu kiên quyết đấu tranh ngăn chặn nên những mặt hàng kém chất lượng này vẫn có đất sống.

Nhiều hiệu sách tại Làng đại học Thủ Đức bày bán sách giả, photocopy vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: LÊ QUANG

Nhiều hiệu sách tại Làng đại học Thủ Đức bày bán sách giả, photocopy vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: LÊ QUANG

Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan quản lý thị trường cần phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra ở các gian hàng, khu chợ tết nhằm phát hiện, xử lý nghiêm những cá nhân buôn bán hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, cần kiểm soát bình ổn thị trường, giá cả những ngày cuối năm, nhất là đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Điều có ý nghĩa quan trọng là doanh nghiệp và người tiêu dùng cần nâng cao khả năng đề kháng trước hàng giả, người tiêu dùng chỉ chọn mua các sản phẩm rõ nguồn gốc sản xuất và có tem kiểm định của cơ quan chức năng.

LÊ ĐẶNG (Tân Bình, TPHCM)

  • Không mua con giống trôi nổi để chăn nuôi

Hiện nay nhiều nông dân mua giống gia súc, nhất là bê, nghé, heo con, gà vịt con… do thương lái chuyên chở đến bán tận nơi, không qua kiểm dịch. Đã có không ít trường hợp vì hám của rẻ mà phải ngậm đắng nuốt cay trước cảnh “bò chai, dê rũ” do mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, phẩm chất kém và không an toàn về mặt phòng dịch bệnh.

Để tránh mua nhằm giống nhiễm mầm bệnh nguy hiểm, giống không có khả năng thích nghi, phẩm chất kém không mang lại hiệu quả, người chăn nuôi không nên mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc và nên tham khảo ý kiến tư vấn của cán bộ kỹ thuật chăn nuôi. Trong chăn nuôi, giống tốt không nhiễm bệnh là yếu tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Bệnh lở mồm long móng có đặc điểm là khi con vật bị bệnh đã khỏi sẽ rất khó phân biệt, nhưng đó lại là ổ mang virus có thể tái phát dễ dàng và có thể lây lan rộng ra cả vùng và lưu tồn để truyền bệnh nhiều năm sau. Vì thế nông dân phải hết sức thận trọng, không mua giống heo, bò, dê… không rõ nguồn gốc để không phải thiệt hại kinh tế sau này. 

KS NGUYỄN VĂN THƯỚC
(Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau)

Tin cùng chuyên mục