Hơn tháng qua, hàng ngàn người dân trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… hết vào mạng lại đến ga Sài Gòn rồi săn lùng khắp các đại lý để mong mua được vé tàu về quê thăm gia đình trong dịp tết. Họ bỏ công bỏ việc, chạy ngược chạy xuôi, thế nhưng phần đông hành khách vẫn không thể tự mình mua được vé, nếu muốn có vé đành phải tìm đến... “cò”.
Đi gần mua vé xa
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, chuyện mua vé tàu về quê của những người lao động tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là TPHCM trở thành “nỗi ám ảnh” của những người xa quê. Với hình thức bán vé tàu tết qua mạng (www.vetau.com.vn), người mua có phần đỡ vất vả và chủ động hơn trong việc mua vé.
Tuy nhiên, đó chỉ là những người biết sử dụng máy vi tính và có thời gian, còn phần lớn công nhân lao động chưa một lần chạm tay vào chiếc máy tính, khó lòng mua được chiếc vé qua mạng. Hơn một tháng qua, ngành đường sắt đưa khoảng 100.000 vé tàu phục vụ người dân đi lại. Trong đó, 80.000 vé được bán trên mạng, 20.000 vé còn lại dành bán cho các tập thể đăng ký trước tại ga Sài Gòn. Đó là chưa kể 18.000 vé tăng toa, tăng chuyến, ghế phụ…
Thế nhưng rất nhiều người vẫn không mua được vé, thậm chí nhiều hành khách mua vé về quê ở Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đành phải chấp nhận mua vé ra Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa… vì những ga này còn vé, rồi đón xe đã quay trở vào, tốn thêm đủ thứ tiền.
Nhiều hành khách bức xúc khi đăng ký mua vé tập thể chỉ mua được vé tàu tăng cường (tàu địa phương) chứ không mua được vé tàu chạy nhanh (SE). Trong khi đó, mua tại các đại lý hoặc “cò” thì các loại vé tàu nhanh đều có, tuy nhiên phải tính tiền chênh lệch vài trăm ngàn đồng/vé so với giá gốc?!
Riêng số điện thoại để liên hệ giao vé tận nhà, liên tục bận mỗi khi hành khách gọi đến đặt chỗ, ga Sài Gòn cho rằng số điện thoại này không quá 10 đường dẫn nên hay quá tải, hành khách chịu khó gọi lại nhiều lần mới được.
Năng lực có hạn
Nhu cầu người dân cần vé tàu tết về quê quá lớn, còn lượng cung ứng của ngành đường sắt lại quá hạn chế nên số lượng vé tàu đi vào những ngày cao điểm tết (22-28 tháng Chạp âm lịch) cơ bản đã được đặt hết ngay trong vài ngày bán vé. Mặc dù ngành đường sắt đã tăng thêm đoàn tàu, nối thêm toa nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (Công ty KSG), những ngày cao điểm tết, công ty đã tăng cường hết công suất các đoàn tàu, tổng cộng có khoảng 20 đoàn tàu chạy phục vụ mỗi ngày cao điểm (cả tàu Thống Nhất và tàu địa phương).
Mặt khác, do cơ sở hạ tầng của đường sắt trong nhiều năm qua vẫn là đường đơn, chưa được bổ sung và nâng cấp, thêm vào đó năng lực khai thác của khu vực qua hầm Hải Vân cũng hạn chế, dù có tăng thêm tàu hay nối thêm toa cũng khó có thể vận hành được. Đơn cử, công suất của các đầu máy hiện có thể kéo đến 17-18 toa khách, nhưng thực tế chiều dài đường ray tại một số ga, đoạn tránh tàu tương đối ngắn, chỉ có thể đáp ứng được đoàn tàu kéo tối đa 14 toa.
Để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, không chỉ trông chờ vào mỗi đường sắt, mà cần có sự chia sẻ của đường bộ, đường hàng không mới mong giải quyết được nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp tết. Kinh tế phát triển về lâu dài cần nâng cấp hạ tầng đường sắt tương ứng với sự phát triển của đất nước.
QUỐC HÙNG
- Thông tin liên quan:
>> Vé tàu Tết - Chỉ còn ghế ngồi phụ