Tham dự buổi tọa đàm có các ông: Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Lương Văn Anh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; đại diện các địa phương có các ông: Nguyễn Thanh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT Long An; Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang và ThS. Nguyễn Ngọc Thiệp, Đại học Tài nguyên Môi trường TPHCM…
Theo đề dẫn của ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, thời gian qua, công tác cấp nước sạch nông thôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, đã có 88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 51% dân số nông thôn (khoảng 33 triệu người) sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, những kết quả nêu trên chưa thực sự bền vững. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, cụ thể như vùng miền núi phía Bắc chỉ đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước. Chính vì vậy WHO - Tổ chức Y tế thế giới đã xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn.
Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã ghi nhận việc đầu tư nước sạch nông thôn đã có những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Kể từ khi phát động Chương trình xây dựng Nông thôn mới, cả nước đã có 16.500 chương trình cấp nước xây dựng chung với hơn 80% công trình được xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2020. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn thiếu bền vững vì 1/3 số công trình chưa phát huy tác dụng, gây ra lãng phí tài nguyên quốc gia. Giải thích cho bất cập này, đa số ý kiến cho rằng ba nguyên nhân chính gồm hạn chế về mặt tuyên truyền, chính sách chưa thích ứng và quản lý vận hành chưa phù hợp.
Ông Lương Văn Anh đánh giá cao những thành quả của công tác xã hội hóa ngành cấp nước, nhất là tại khu vực đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng các khu vực còn lại thì còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng “Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%. Ông cũng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ dành 1.300 tỷ đồng để đầu tư các công trình cung cấp nước sạch.
Kết thúc tọa đàm, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết Tổng hội sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề liên quan. Trong đó đặc biệt chú ý công tác quản lý nguồn nước, có biện pháp hữu hiệu để giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường mới phát sinh cũng như những tác động của hóa chất vốn đã tồn tại do yếu tố lịch sử.
Ông cũng cho rằng việc quan trọng để người dân nông thôn có nguồn nước sạch chất lượng là phải làm rõ vai trò của cơ quan thẩm định chất lượng nước, sớm thống nhất tiêu chuẩn nước sạch hướng đến đạt chất lượng như các nước tiên tiến trên thế giới. Công tác tuyên truyền cần đa dạng hơn nữa để tiếp cận nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước sạch của người dân, nhất là người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn biên giới.