Mục tiêu thật từ cuộc oanh kích?

Ngày 22-11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở dải Gaza bắt đầu có hiệu lực sau 8 ngày xảy ra xung đột. Với động thái này, cả Israel và Hamas đã tránh được nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, dư luận hiện đang đặt ra câu hỏi tại sao Tel Aviv lại tiến hành chiến dịch mang tên “Cột mây oanh kích dải Gaza” vào thời điểm hiện nay?

Ngày 22-11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas ở dải Gaza bắt đầu có hiệu lực sau 8 ngày xảy ra xung đột. Với động thái này, cả Israel và Hamas đã tránh được nguy cơ về một cuộc chiến tranh toàn diện. Tuy nhiên, dư luận hiện đang đặt ra câu hỏi tại sao Tel Aviv lại tiến hành chiến dịch mang tên “Cột mây oanh kích dải Gaza” vào thời điểm hiện nay?

Thứ nhất, một số chuyên gia cho rằng sở dĩ Israel có những hành động gây chiến trong tình hình này bởi ảnh hưởng của các vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp mãn nhiệm đang bị suy yếu. Người ta đang chờ đợi Washington bổ nhiệm những người mới vào 2 vị trí trên. Israel cũng từng thực hiện chiến dịch Plomb durci (từ 27-12-2008 đến 18-1-2009) trong giai đoạn chuyển tiếp từ Tổng thống Bush sang Tổng thống Obama. 

Thứ hai, cuộc bầu cử Quốc hội Israel đang đến gần buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman phải tìm cách cải thiện hình ảnh cứng rắn truyền thống của họ. Nhận định về thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên, ông Netanyahu cũng thể hiện “sự diều hâu” của mình khi cho rằng trong tương lai, nước này có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận cứng rắn hơn. “Tôi biết rằng nhiều người dân Israel mong đợi một hành động quân sự cứng rắn hơn, và có thể chúng ta sẽ cần phải làm điều đó trong tương lai”, Thủ tướng Israel nói.

Tuy nhiên, theo tờ The Atlantic, mục đích lớn nhất trong chiến dịch lần này của Israel chính là sự chuẩn bị cho cuộc tấn công Iran. “Cột mây” là diễn biến tiếp theo của cuộc không kích vào căn cứ quân sự Yarmouk ở Sudan được cho là do Tel Aviv tiến hành đêm 23-10 vừa qua. Nhà nước Do thái nghi ngờ Yarmouk là nơi tiếp nhận vũ khí của Iran như rocket Fajr-3 và Fajr-5 rồi sau đó được chuyển cho lực lượng Hamas. Cuộc tập kích ở Sudan là nhằm triệt phá lượng vũ khí sẽ được dùng để tấn công Israel trong tương lai.

Trong khi đó, cuộc tấn công vào dải Gaza là cơ hội để Tel Aviv thử nghiệm các loại vũ khí tấn công, khả năng phòng thủ, cơ sở hạ tầng dùng trong trường hợp khẩn cấp… Tờ Wall Street Journal của Mỹ nhận định cuộc tấn công của Israel đã chứng minh được sự thành công trong hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Sắt của nước này. Israel bắt đầu triển khai Vòm Sắt vào năm 2011. Các hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt được thiết kế nhằm bảo vệ các khu vực đông dân cư trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn. Tỷ lệ tiêu diệt các tên lửa đang trên đường bay tới mục tiêu của hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt đạt gần 90%. Một quan chức Israel cho biết ước tính trong tuần qua có khoảng 1.000 tên lửa từ Gaza tấn công các trung tâm dân cư của Israel,  nhưng số lượng tên lửa rơi xuống các khu vực dân cư của Israel không đáng kể.

Một số nhà phân tích chính trị cho rằng thỏa thuận ngừng bắn mà Israel-Hamas đạt được là khá mong manh. Tuy nhiên, nó cũng đem lại lợi ích cho Chính phủ Israel bởi  việc đem lại sự bình yên cho vùng phía Nam Israel có thể giúp uy tín của Thủ tướng Netanyahu tăng lên trong bối cảnh ông chuẩn bị tham gia cuộc tái tranh cử vào đầu năm tới. Sau cùng, cái đích lớn nhất mà Israel đạt được trong đợt không kích Gaza là sự sẵn sàng cho một cuộc chiến trong tương lai với Iran, cái gai mà Israel cùng đồng minh Mỹ muốn nhổ từ lâu.

Đỗ Cao

Tin cùng chuyên mục