Sau khi đọc nhựt trình hạ giới, Mỵ Châu ở cõi trên nửa đêm hiện về báo mộng. Dù là mộng, nhưng cụ Mỵ Châu vẫn nổi giận đùng đùng, mắng sa sả:
- Tại sao lại để người nước ngoài ngày đêm lượn lờ dòm ngó gần chỗ để nỏ thần? Chuyện đời xưa, học hoài còn không thuộc, thử hỏi chuyện nay có gì mới phát sinh làm sao xử lý?
Đám hậu sinh bị quở tập thể, ú ớ thanh minh:
- Thưa, cái này xảy ra là do tụi con nhận thức đơn giản, không nắm được tình hình.
- Địa bàn mình quản, dân mình giữ đất bám biển, chuyện gì mà lọt được tai mắt của dân? Dân biết, sao các ngươi làm quan mà chẳng biết gì?
- Dạ, thiệt tình thì cũng có thông tin báo cáo, nhưng tụi con trộm nghĩ đâu có vấn đề gì, người ta vô nuôi cá tôm, làm kinh tế, cũng có thêm chút ngân sách địa phương.
- Toàn chối quanh nói quẹo. Báo cáo gửi từ ba năm trước là đã chậm, vì chuyện đã xảy ra từ trước đó mấy năm. Chậm lại chồng lên chậm là sao? Còn phát triển kinh tế cái gì, nếu toàn bộ hải sản họ toàn đóng thùng qua biên giới theo đường tiểu ngạch, có thu được đồng thuế nào đâu?
- Ầy dà, những cái này để tụi con rà soát, kiểm tra rồi làm văn bản báo cáo cụ sau.
- Càng nói leo lẻo càng thấy tắc trách, càng bao biện càng thấy khờ! Ta đến giờ vẫn đau, vì câu “Giặc ở ngay sau nhà vua đó”. Giở sách tiểu học ra mà nghiền ngẫm liền đi.
Tư Quéo