Mỹ sẽ tấn công Iran bằng cách nào?

Mỹ sẽ tấn công Iran bằng cách nào?

Viện Hoàng gia các vấn đề quốc tế Luân Đôn (Chatham House) vừa đăng bài viết của tác giả Andrew Brookes, cựu phi công máy bay ném bom thuộc lực lượng không quân Hoàng gia Anh và hiện là chuyên gia phân tích hàng không thuộc Viện Quốc tế nghiên cứu chiến lược Luân Đôn (IISS), về những tính toán của một chiến dịch không kích Iran.

  • Iran rải đều các cơ sở hạt nhân
Mỹ sẽ tấn công Iran bằng cách nào? ảnh 1

Cơ sở hạt nhân của Iran tại Natanz là một trong những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hiện nay. Dường như những “điệu nhảy” ngoại giao không bao giờ chấm dứt các hoạt động hạt nhân của Iran cho đến khi họ hoàn tất một chương trình bảo vệ các công trình hạt nhân. Israel không có đủ máy bay chiến đấu tầm xa để làm vô hiệu hóa các khả năng hạt nhân rải rác của Iran, vì thế một chiến dịch không kích quy mô lớn có sự tham dự của Mỹ gần như chắc chắn xảy ra.

Một kịch bản chiến dịch tấn công của Mỹ vào Iran sẽ bao gồm cả Israel, nước từng có cuộc tấn công tương tự vào cơ sở hạt nhân Osirak của Iraq vào ngày 7-6-1981. Tất cả các mục tiêu tại Osirak đã bị tiêu diệt.

Iran đã học được bài học từ sự kiện này và đã tiến hành xây dựng phân tán các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của họ. Đa phần các cơ sở này được giấu kín và ngụy trang 23m ngầm dưới đất. Phương án sử dụng các lực lượng đặc nhiệm để tấn công phá hoại là không khả thi. Với tình trạng quân đội Mỹ tiếp tục bị sa lầy tại Iraq và Afghanistan như hiện nay, không có nhiều khả năng Mỹ sẽ tiến hành thêm một cuộc chiến tranh song song chống lại quân đội gồm 350.000 quân của Iran. Chỉ còn duy nhất một phương án quân sự đáng tin cậy là không kích.

  • Khả năng phòng thủ của Iran sẽ tê liệt vài phút sau khi Mỹ không kích?

Người đứng đầu cơ quan tình báo Israel hiện nay từng là phi công chỉ huy chiến dịch không kích Osirak. Hơn một năm trước đây, Israel đã xác định được các mục tiêu ưu tiên cao cần phải tấn công nhằm đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Kể từ sau sự kiện Osirak, lực lượng không quân Israel đã sở hữu hầu hết các loại vũ khí tấn công đa địa hình, trong đó gồm bom có thiết bị dẫn đường mang các đầu đạn có sức công phá tương đương 2.000 kg thuốc nổ, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất ít hơn 30m hoặc được bảo vệ bởi các hầm bê tông dày 6m.

Tuy nhiên, việc tấn công các cơ sở hạt nhân Iran sẽ đòi hỏi nhiều hơn vũ khí phá hủy công trình ngầm và các thông tin tình báo chính xác. Chủ lực của lực lượng không quân chiến đấu tầm xa của Israel là 25 máy bay F-15I và 20 máy bay F-16I. Lực lượng chủ lực của Israel tham gia không kích sẽ là 126 máy bay chiến đấu F-16Cs và Ds thế hệ cũ hơn.

Điểm nhấn chiến lược quốc phòng của Tehran phụ thuộc vào hệ thống phòng không mặt đất của Nga đặt tại căn cứ Natanz. Nga là quốc gia đi đầu trong công nghệ chế tạo hệ thống phòng không. Hệ thống tên lửa phòng không đa năng di động S-300 do Nga sản xuất đã được lắp đặt tại Bushehr. Hệ thống này hiện được dự phòng bởi 21 tên lửa chống máy bay tầm ngắn di động đất đối không Tor-M1, mới được bổ sung để bảo vệ các công trình hạt nhân và công trình chiến lược của nước này. Tor-M1 là hệ thống phòng không di động thế hệ thứ 5 có thể được bố trí tại các điểm trong hành trình tấn công. Nếu cơ quan chỉ huy phòng không của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu Tors, diễn biến các đợt tấn công của Mỹ vào Baghdad có thể đã khác đi rất nhiều.

Cựu chỉ huy lực lượng không quân Israel, Thiếu tướng Eitan Ben Eliahu, người từng tham gia chiến dịch không kích Osirak, đã công khai tuyên bố rằng có quá nhiều vị trí của Iran là mục tiêu tấn công của Israel. Vì thế, Israel cần đến một nỗ lực quốc tế. Hai năm trước, Israel đã tiến hành tập trận cùng lực lượng không quân nước ngoài của 12 nước, tuy nhiên, trong mọi chiến dịch không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, sự phối hợp tác chiến với lực lượng không quân Mỹ luôn là những vấn đề được coi trọng.

Mặc dù Mỹ “đang trừng phạt” Iran, nhưng ở thời điểm hiện nay, nước này hơn bao giờ hết đang đến gần một hành động tấn công quân sự. Nhà Trắng đã có kế hoạch không kích quy mô lớn trong vòng từ 4 đến 5 ngày. Mỹ có lợi thế về những căn cứ và quyền sử dụng không phận xung quanh Iran, cộng thêm việc tăng cường hai tàu sân bay là điểm xuất phát của các máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa đánh chặn. Một chiến dịch không kích với sự phối hợp đa hướng có thể vô hiệu hóa khả năng phòng thủ và các hệ thống chỉ huy của Iran trong vòng vài phút, khiến bất kỳ máy bay chiến đấu F-14 hoặc hệ thống tên lửa phòng không của nước này bị cô lập về mặt liên lạc điện tử.

Những phút đầu tiên của chiến dịch không kích sẽ là các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình không đối đất với sự tham gia của khoảng 60 máy bay tàng hình B-2, F-117 và F/A-22. Một khi cường độ không kích mạnh lên, các máy bay tàng hình của Mỹ sẽ rút bớt để nhường chỗ cho các máy bay chiến đấu Israel tấn công từ nhiều hướng, bao gồm cả các máy bay ném bom hạng nặng sử dụng bom phá hầm ngầm.

  • Mỹ có thể dùng loại bom mới để tấn công Iran

Tổng thống Ahmadinejad đã cảnh báo rằng Iran sẽ “tiêu diệt bất kỳ kẻ xâm lược nào”, tuy nhiên, lực lượng quân sự của ông ta hiện nay không thể kháng cự được một chiến dịch tấn công quy mô lớn của Mỹ. Khả năng chiến đấu của Iran bị ngăn cản bởi những giá trị trung thành với chế độ đang ngày càng “teo tóp” hơn là một khả năng chuyên nghiệp thực sự. Không quân Iran tự hào là “một lực lượng của hệ tư tưởng trung thành với các giá trị cách mạng và Hồi giáo” nhưng đã không trang bị cho các chỉ huy những thông tin thực sự về tiềm năng quân sự của Mỹ - nước đã “mài dũa” kinh nghiệm chiến đấu kể từ khi tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 đến nay.

Con bài duy nhất mà người Iran có trong tay là các hệ thống tên lửa phòng thủ được bố trí phân tán xung quanh các công trình hạt nhân trọng điểm và được ngụy trang ngầm dưới lòng đất. Tuy nhiên, những hệ thống này sẽ không có ý nghĩa gì đối với chiến dịch không kích quy mô lớn được thiết kế một cách chính xác để thu được hiệu quả tấn công cao nhất. Mỹ đã phát triển một loại chất nổ 700 tấn có tên gọi là Divine Strake sẽ được sử dụng để phá hủy công trình chuyển đổi urani ở Esfahan, các máy ly tâm ở Natanz và nhà máy nước nặng ở Arak. Vì các lý do ngoại giao, sẽ không có các cuộc không kích vào Bushehr, nơi mà Nga đang nỗ lực vì các yêu cầu năng lượng dân sự.

HUY QUỐC

Tin cùng chuyên mục