Mỹ thâm hụt thương mại, châu Âu phục hồi tăng trưởng

Theo hãng tin AP, ngày 6-5, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết cán cân xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 3 vừa qua bị thâm hụt ở mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm. Đây là một trong những tín hiệu không mấy lạc quan cho nền kinh tế Mỹ trong nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều năm chìm vào khủng hoảng kinh tế.
Mỹ thâm hụt thương mại, châu Âu phục hồi tăng trưởng

Theo hãng tin AP, ngày 6-5, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết cán cân xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 3 vừa qua bị thâm hụt ở mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm. Đây là một trong những tín hiệu không mấy lạc quan cho nền kinh tế Mỹ trong nỗ lực lấy lại đà tăng trưởng sau nhiều năm chìm vào khủng hoảng kinh tế.

Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York.

Giảm thâm hụt ngân sách

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 187,8 tỷ USD, tăng 0,9% so với mức xuất khẩu 186,2 tỷ USD trong tháng 2. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng này tăng tới 7,7% so với tháng trước đó, đạt 239,2 tỷ USD.  Như vậy, trong tháng 3, cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ bị thâm hụt 51,4 tỷ USD, tăng 43,1% so với mức thâm hụt 35,9 tỷ USD hồi tháng 2. Đây là mức thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ kể từ tháng 10-2008. Bên cạnh đó, hơn 43% là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12-1996. Với mức thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu lớn trong tháng Ba, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý Một có thể ở mức -0,5%.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo lần đầu cho biết GDP của nước này trong ba tháng đầu năm 2015 tăng ở mức đáng thất vọng, chỉ đạt 0,2% do bị tác động bởi mùa đông lạnh giá chưa từng có trong nhiều thập kỷ, đồng USD tăng giá, giá nhiên liệu giảm cộng với cuộc đình công kéo dài của công nhân cảng khu vực Bờ Tây.

Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua với tỷ lệ phiếu sít sao một dự thảo ngân sách do đảng Cộng hòa đề xuất, theo đó cắt giảm hơn 5.000 tỷ USD các khoản chi tiêu nội địa để giảm thiểu thâm hụt ngân sách trong vòng một thập kỷ tới, đồng thời loại bỏ Luật Chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là ObamaCare. 

Những thông tin không mấy tích cực về kinh tế Mỹ khiến chứng khoán Mỹ đều quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch cùng ngày. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 142,20 điểm (0,79%) xuống 17.928,20 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 25,03 điểm (1,18%) xuống còn 2.089,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 77,60 điểm (1,55%) xuống 4.939,33 điểm.  Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi có thông tin giá dầu thô Mỹ nằm trên ngưỡng 60 USD/thùng. Đây được cho  là một “vật cản” đối với thị trường chứng khoán.

Châu Âu khởi sắc

Trong khi Mỹ đang chật vật với việc cắt giảm thâm hụt ngân sách thì Liên minh châu Âu (EU) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), bất chấp viễn cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế Hy Lạp.Trong bản dự báo mùa Xuân vừa công bố, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng cho eurozone trong năm 2015 là 1,5%, tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 2. EC cũng dự báo năm 2016, kinh tế của khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9%.

Các yếu tố tích cực chính dẫn đến tăng trưởng là triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định, đồng euro yếu và gói kích thích tiền tệ 1.100 tỷ euro của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cùng việc áp dụng các chính sách ngân sách bớt ngặt nghèo hơn. Theo EC, nền kinh tế Đức tiếp tục đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy sự hồi phục trong toàn khu vực, với dự báo tăng trưởng 1,9% trong năm 2015 và 2% trong năm 2016. Tiếp theo là Tây Ban Nha với dự báo tăng trưởng 2,8% trong năm 2015 và 2,6% trong năm 2016.

Trong toàn cảnh khởi sắc của Eurozone, Hy Lạp vẫn là một điểm tối. Trong báo cáo mới của EU, tốc độ tăng trưởng của Hy Lạp được dự báo ở mức 0,5% trong năm 2015, giảm đúng 2% so với dự báo ba tháng trước.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục