Giải thưởng Doanh nghiệp xanh do Báo SGGP khởi xướng, dưới sự chủ trì của UBND TPHCM thực hiện từ năm 2006. Từ đó cho đến nay, hàng trăm doanh nghiệp đã được chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Tuy nhiên, đứng ở thứ hạng cao luôn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến năm 2012, thực tế trên đã có sự thay đổi khi có không ít doanh nghiệp trong nước lần lượt chiếm lĩnh ở vị trí cao.
Cải thiện môi trường sản xuất là bí quyết thành công
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho biết, năm 2012, hội đồng giải thưởng Doanh nghiệp xanh vừa ngạc nhiên và cũng vui mừng vì có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp thứ hạng cao với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này không những thể hiện sự cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay. Mặt khác, cho thấy rõ doanh nghiệp đã ý thức hơn trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Thống kê của Ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh cho thấy, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, áp dụng giải pháp sản xuất sạch, tiết kiệm nguyên vật liệu sản xuất đầu vào để giảm thiểu chất thải đầu ra. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không ngừng cải thiện hệ thống xử lý chất thải để giúp cho chất thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn mà luật quy định.
Đơn cử như Công ty Cổ phần đầu tư Tân Thuận, để đảm bảo hỗ trợ xử lý nước thải của hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất, công ty vừa mới đưa vào hoạt động thêm công đoạn bức tường oxy hóa trong tổng thể hệ thống xử lý nước thải chung. Theo Công ty Tân Thuận, hiện nước thải sau xử lý của khu chế xuất đạt tiêu chuẩn loại A.
Theo đó, có những công ty trong khu phải xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn loại B. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp không đạt yêu cầu này. Do vậy, việc không ngừng ứng dụng công nghệ khoa học mới giúp công ty xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong khu xử lý nước thải tốt hơn, đảm bảo nước thải cuối nguồn của khu chế xuất luôn đảm bảo đạt tiêu chuẩn loại A. Không dừng lại đó, với nhiều doanh nghiệp, cải thiện công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường hơn đã được xem là chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đơn cử, Công ty Quốc tế Unilever Việt Nam đã đầu tư hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời. Cộng với việc ứng dụng nguyên liệu đốt là biomass thay cho nhiên liệu hóa thạch đã giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng hàng năm. Hay như Công ty TNHH Intel Việt Nam đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, giúp công ty giảm 30% nhu cầu sử dụng điện năng…
Không dừng lại ở việc cải thiện môi trường sản xuất, với nhiều doanh nghiệp việc hỗ trợ cộng đồng cùng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường được xem như là nhiệm vụ của mình. Điển hình như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty Nhựa Duy Tân hay Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket… luôn tham gia vào hoạt động cộng đồng kêu gọi bảo vệ môi trường như chương trình Giờ Trái đất, Làm cho thế giới sạch hơn, Ngày môi trường thế giới... Thậm chí, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam còn xây dựng Quỹ Một triệu cây xanh Việt Nam lên đến 5 tỷ đồng. Quỹ tập trung hỗ trợ hoạt động cộng đồng nhằm tăng diện tích mảng xanh cho cả nước…
Tư duy “ăn gian” môi trường có bền vững?
Cách hiểu đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải có nghĩa là doanh nghiệp đã phải tiêu tốn chi phí nhiều hơn, từ đó giảm đi lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được đã lạc hậu. Phát triển xanh mà trong đó việc đầu tiên là đảm bảo tối thiểu toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất phải được xử lý hết đang là xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi đây là cách mà doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, thể hiện sự cam kết gìn giữ chất lượng môi trường sống xanh, sạch với cộng đồng. Mặt khác, với định hướng phát triển xanh, doanh nghiệp còn có thể tiết kiệm đáng kể chi phí cho hoạt động sản xuất của mình.
Không dừng lại đó, xu hướng tiêu dùng xanh đang được hình thành và phát triển nhanh, sâu rộng trong cộng đồng đang tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp xanh. Và trong tương lai gần, xu hướng này hứa hẹn sẽ thúc đẩy cũng như đánh dấu cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Trên thực tế, thời gian qua những doanh nghiệp bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường đã và đang phải trả giá đắt. Giá đắt này không chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng xử phạt mà nghiêm trọng hơn họ còn bị chính cộng đồng tẩy chay sử dụng sản phẩm. Song song đó, người tiêu dùng lại có xu hướng chuộng sản phẩm của các doanh nghiệp xanh, sản phẩm có lợi cho môi trường. Điều này cũng xuất phát từ thực tế sự suy giảm chất lượng môi trường đã và đang tác động nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng TP khẳng định, phổ biến nhất là các nhóm bệnh do vi sinh vật gây ra như bệnh về đường tiêu hóa (tả lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A), bại liệt, giun sán, bệnh ngoài da, phụ khoa, bệnh về mắt… Số ít nhóm bệnh khác do các loại kim loại nặng vượt quy định gây ra như bệnh về da, hệ thần kinh, dị tật thai nhi… Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết thêm, những dòng kênh chết vì chất thải sản xuất, sinh hoạt hoặc bị tắt nghẽn rác hiện nay chính là nơi trú ẩn an toàn và thuận lợi của các loại ký sinh trùng gây bệnh cho cộng đồng. Và như thế, nếu sử dụng sản phẩm của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cộng đồng đã gián tiếp đầu độc chính môi trường sống của mình.
Có thể nói, sự vươn lên vượt bậc của các doanh nghiệp xanh trong nước trong giải thưởng Doanh nghiệp xanh 2012 đã phần nào cho thấy, doanh nghiệp trong nước đã có cái nhìn nhận đúng hơn về phát triển xanh. Từ đó, có sự đầu tư tập trung và tương xứng hơn. Điều đáng nói, cùng với chứng nhận này, các doanh nghiệp xanh sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn khi cả nước đang triển khai chương trình vận động tiêu dùng xanh trong cộng đồng.
PHÚC ANH - HOÀNG LAN