Năm 2012, doanh nghiệp phải ứng phó để vượt khó

Liên kết: cách tự cứu mình
Năm 2012, doanh nghiệp phải ứng phó để vượt khó

Tại hội thảo Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 – Đâu là cơ hội? (do Thời báo Kinh tế VN tổ chức), nhiều vấn đề của nền kinh tế hiện nay đã được các diễn giả là các chuyên gia kinh tế phân tích, đánh giá và từ đó đưa ra những lời khuyên cho doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Trong đó, tái cấu trúc đầu tư, liên kết, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh là những giải pháp hàng đầu được đặt ra cho DN…

Các doanh nghiệp tại TPHCM phấn đấu mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển sản xuất. (Trong ảnh: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại quận Thủ Đức). Ảnh: Cao Thăng

Các doanh nghiệp tại TPHCM phấn đấu mở rộng thị trường xuất khẩu để phát triển sản xuất. (Trong ảnh: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại quận Thủ Đức). Ảnh: Cao Thăng

Liên kết: cách tự cứu mình

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra con số cảnh báo về sự khó khăn của doanh nghiệp: “Số DN ngừng hoạt động tăng khoảng 21% so với năm trước; hàng tồn kho tăng, sức mua giảm, doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ chỉ tăng khoảng 5% (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá), mức tăng thấp nhất từ trước đến nay”.

Còn theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, đa số DN hiện nay thiếu cơ sở tài chính vững chắc, phải dựa vào tín dụng ngân hàng, vay mượn phi hình thức để khởi nghiệp và kinh doanh. Đó là chưa kể tính chuyên nghiệp trong quản trị DN còn thấp, đa số chỉ có ý tưởng kinh doanh, chưa có chiến lược phát triển rõ ràng dựa trên nghiên cứu thị trường cũng như đối thủ cạnh tranh, không có chiến lược tối thiểu hóa chi phí…

Trải qua khó khăn trong những năm gần đây, cho thấy DN bắt đầu tạo được “sức đề kháng” để đứng vững trong cơn khủng hoảng. TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao sự nỗ lực của DN khi nhiều DN hợp tác, liên kết để cắt giảm tối đa chi phí như chia sẻ nhà xưởng, cùng vận tải hàng hóa về nông thôn, nâng cao chất lượng nhân lực, tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc DN tự cứu mình cũng cần nhìn lại hiệu quả các chính sách vừa qua của Chính phủ. TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị: Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, bên cạnh những tác động tích cực, cần đánh giá đúng mức những tác dụng phụ của nó như DN thiếu vốn, mất cân đối cung - cầu trên thị trường vốn thể hiện qua lãi suất; thanh khoản của ngân hàng thương mại khó khăn, thị trường bất động sản và chứng khoán ảm đạm.

Nhiều thách thức

Năm 2012, giải pháp nào để cả nước vượt qua khó khăn, nhất là đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6% theo Nghị quyết của Quốc hội. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, tăng trưởng GDP 6% là vấn đề khó nếu Chính phủ không điều chỉnh lại khu vực DN vừa và nhỏ, bằng cách dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân và những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan tỏa cao.

Theo ông Tuyển, giải pháp hỗ trợ DN tốt nhất không phải là giảm, giãn thuế mà phải tập trung kéo lạm phát xuống 1 con số, thì lãi suất huy động mới có thể xuống khoảng 11%/năm và lãi suất cho vay sẽ ở mức 13% - 14%/năm. Có như vậy, DN mới có thể tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2012 sẽ là năm đầy thách thức nhưng có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Vì VN chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu (nông sản, thủy sản, hàng dệt may giày dép…) nên khả năng xuất khẩu vẫn tốt. Trong khi một số thị trường xuất khẩu vào Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đang tăng mạnh là cơ hội tốt cho chúng ta. Đồng thời, trong khó khăn, cũng là cơ hội buộc các DN tái cấu trúc như: đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường nội địa, thâm nhập thị trường thế giới.

Ngoài ra còn là cơ hội cho DN “điều chỉnh sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện mới, áp dụng công nghệ thông tin để cắt giảm chi phí hành chính” - TS Lê Đăng Doanh nói. Ông khẳng định, nếu trước đây lấy quy mô làm thước đo sự lớn mạnh của DN thì nay cần lấy hiệu quả, năng lực cạnh tranh làm thước đo.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục