Năm 2013: Tập trung giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu

2013: Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012
Năm 2013: Tập trung giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu

(SGGPO).– Sáng nay, 25-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.

2013: Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình bày báo cáo về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ.

Báo cáo cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 được kiềm chế ở mức thấp. CPI tháng 12-2012 tăng 6,81% so với tháng 12-2011, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước và đạt được mục tiêu đề ra. Lãi suất cho vay đã giảm từ 5-8% so với cuối năm 2011. Bội chi ngân sách Nhà nước bằng 4,8% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012 ước đạt trên 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (13%)..

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu nhiệm vụ của năm 2013: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012, tập trung tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

9 nhóm giải pháp cho năm 2013 được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, giải pháp đầu tiên là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Năm 2012 đã kiềm chế lạm phát nhưng năm 2013 không được chủ quan vì giá cả thị trường thế giới vẫn thất thường, giá nhiều mặt hàng trong nước tiệm cận giá thị trường, xăng dầu, than điện… Tâm lý lạm phát trong nước vẫn cao. Chính phủ xác định lạm phát năm 2013 phải thấp hơn năm 2012. Phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động; Điều hành lãi suất theo thị trường (ngân hàng đã hạ lãi suất), tiếp tục quản lý thị trường vàng, cải thiện cán cân thanh toán, tăng dữ trữ ngoại hối; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống tín dụng, ngân hàng… Thực hiện chính sách tài khóa, triệt để tiết kiệm.

Chính phủ đề nghị các địa phương phấn đấu tăng 3-5% chỉ tiêu thu ngân sách mà Quốc hội đề ra. Cần chống thất thu, chuyển giá. Chi tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm bội chi 4,8%.

Cùng với đó thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Kiểm soát giá cả, trong bất cứ tình huống nào cũng không để mất cân đối hàng hóa. Tiếp tục thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, trong đó có giá than, điện… Nâng cao chất lượng thống kê, dự báo để phục vụ việc hoạch định chính sách, chế độ bảo đảm đề ra các giải pháp chính xác.

Nhóm giải pháp thứ 2 mà Chính phủ đưa ra là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ sẽ có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Thứ ba, đẩy mạnh các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế. Sẽ thực hiện quyết liệt, trọng tâm có hiệu quả về tái cơ cấu kinh tế với 3 trọng tâm. Trong đó về đầu tư công, thực hiện bố trí vốn theo giai đoạn để các ngành, địa phương chủ động bố trí vốn. Tập trung bố trí vốn để hoàn thành các công trình trọng điểm; giải quyết nợ xây dựng cơ bản (khoảng 90.000 tỷ đồng).

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hiện đã có đề án về vấn đề này. Cơ bản các tổ chức, ngân hàng yếu kém đã được xử lý, trong tầm kiểm soát, chỉ còn 1/9 tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém vẫn đang tiến hành xử lý.

Về tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước, sẽ cơ cấu lại từng tập đoàn, tổng công ty. Rà soát phân loại các Doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại những doanh nghiệp 100% ở lĩnh vực độc quyền Nhà nước, an ninh quốc gia, cung ứng dịch vụ công…, còn lại thực hiện cổ phấn hóa...

Tiếp đến là các nhóm giải pháp về cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân (trong đó có việc mở rộng bảo hiểm tự nguyện, thực hiện hiệu quả bảo hiểm nông nghiệp); phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội...

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết triển khai nhiệm vụ năm 2013. Các bộ ngành, địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, coi trọng công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương. Chính phủ sẽ tăng cường công tác phản hồi thực hiện chính sách từ các doanh nghiệp, chuyên gia, nhân dân.

Ban hành Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn nền kinh tế

Tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết,  Chính phủ mong muốn lắng nghe ý kiến giải pháp tháo gỡ 2 nút thắt của nền kinh tế hiện nay là hàng tồn kho và nợ xấu từ các bộ, ngành, địa phương. Vừa qua, Chính phủ đã làm việc với TPHCM và Hà Nội về vấn đề này. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ hoàn thiện và ban hành cùng lúc 2 Nghị quyết: Nghị quyết chung cho năm 2013 và Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Trình bày về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, sẽ tập trung 2 nhóm giải pháp chính: giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, nợ đọng.

Về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường: Chính phủ sẽ triển khai các giải pháp về thuế, phí, tăng cường khả năng vay vốn… Cụ thể, sẽ gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT cho những doanh nghiệp có nhiều lao động, chế biến, gia công… Điều này nhằm giải quyết công ăn việc làm. Hoàn thuế bảo vệ môi trường, không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, giảm phí trước bạ đối với ô tô dưới 10 chỗ; giảm ½ phí thuê đất 2013-2014..

Về vốn tín dụng: Tiếp tục giảm lãi suất, có biện pháp tăng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu… đến hết năm 2013. Ưu tiên cho vay, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất, kỳ hạn hợp lý. Ngân hàng Nhà nước sẽ dành ra 10.000 tỷ đồng, với lãi suất hợp lý, kỳ hạn 10 năm để các ngân hàng thương mại cho vay đối tượng này. Bố trí 10.000 tỷ đồng cho chương trình kiên cố hóa kênh mương.

Về giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ rà soát lại các loại dự án bất động sản, có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu, điều chỉnh kinh doanh phù hợp với thị trường.

Về giải quyết nợ xấu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đã có đề án của Ngân hàng Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng (thứ nhất, từ trái qua)

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng (thứ nhất, từ trái qua)

Lãnh đạo TPHCM dự hội nghị trực tuyến

Lãnh đạo TPHCM dự hội nghị trực tuyến

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục