Năm 2014, thi tốt nghiệp THPT 4 môn, bỏ điểm sàn đại học

Ngoại ngữ thành môn thi tự chọn
Năm 2014, thi tốt nghiệp THPT 4 môn, bỏ điểm sàn đại học

Chiều 24-2, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT họp báo công bố nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Theo đó, năm 2014 sẽ thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, văn) và 2 môn tự chọn.

Thí sinh xem gợi ý giải đề thi môn Hóa tại kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2013. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh xem gợi ý giải đề thi môn Hóa tại kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2013. Ảnh: MAI HẢI

Ngoại ngữ thành môn thi tự chọn

Về thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD-ĐT quyết định thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc toán và văn, học sinh tự chọn 2 môn khác trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ. Khác với mọi năm, thay vì Bộ GD-ĐT quyết định và công bố tất cả các môn thi, năm nay, ngoài 2 môn bắt buộc học sinh được tự chọn 2 môn thi theo nguyện vọng cá nhân. Mỗi thí sinh có một số báo danh cả kỳ thi, mỗi ca thi chỉ có một môn để tránh nhầm lẫn. Về việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp, bộ nêu rõ thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% + 50%).

Như vậy, so với dự kiến trước đó, phương án chính thức mà Bộ GD-ĐT công bố có điểm khác là bỏ việc miễn thi 20% cho học sinh đủ điều kiện miễn thi và đưa ngoại ngữ vào thành môn thi tự chọn. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay, khi đưa ra dự kiến này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó việc miễn thi có thể gây khó khăn cho cơ sở trong triển khai. Còn về môn ngoại ngữ, cũng cầu thị trong tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT đã quyết định chuyển thành môn thi tự chọn và trong tương lai đó sẽ là môn thi bắt buộc.

Tại buổi họp báo, giải thích thêm về việc năm nay Bộ GD-ĐT sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho biết, sắp tới bộ sẽ có thông tư quy định cụ thể về nội dung này, đưa vào phần mềm và hướng dẫn các trường trước khi diễn ra kỳ thi. Cách ra đề thi về cơ bản vẫn giữ nguyên, bao gồm các môn thi tự luận và trắc nghiệm như hiện nay. Riêng môn ngoại ngữ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thi cả trắc nghiệm và tự luận.

“Trong tương lai, cách ra đề thi sẽ dần thay đổi để chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi, nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh), là căn cứ để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh”, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm.

Ông Đỗ Ngọc Thống, thành viên Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 nói thêm, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng theo môn thi, còn thế giới họ đang vận dụng theo bài thi. Một bài thi có thể yêu cầu học sinh phải vận dụng nhiều kiến thức tổng hợp.

Bỏ điểm sàn đại học

Về phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, bộ nêu rõ các trường có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của quy chế tuyển sinh sẽ được tự chủ tuyển sinh; đồng thời bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung. Các trường có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Đặc biệt, năm nay một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

Cũng tại buổi họp báo, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định, bộ rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội khi đưa ra phương án đổi mới thi cử này. Riêng về các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của các trường, ông Bùi Anh Tuấn cho biết vừa qua Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến về vấn đề này một cách rộng rãi. “Năm nay, Bộ GD-ĐT không xác định điểm sàn nữa mà xác định các tiêu chí đầu vào phù hợp với các trường. Bộ sẽ lấy ý kiến, cân nhắc, tổng hợp để đưa ra các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với các trường”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Mai Văn Trinh, những điều chỉnh trên nằm trong lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá học sinh. Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Bộ sẽ sớm đưa ra dự thảo phương án thi để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông và toàn xã hội nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 - 2015.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục