
TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung đã bước vào đợt nắng nóng đầu tiên của mùa khô 2015. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ (KTTV KVNB) xung quanh về vấn đề này.

Người dân TPHCM mặc áo khoác đeo khẩu trang chống nắng nóng khi ra đường. Ảnh: CAO THĂNG
- Phóng viên: Ngay từ đầu tháng 3, thời tiết Nam bộ đã oi bức lên nhiều, đặc biệt buổi trưa và chiều. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng trên?
>> Ông ĐẶNG VĂN DŨNG: Trước hết có lẽ chúng ta cũng cần phân biệt rõ những khái niệm chung quanh chữ “nóng”. Theo xếp loại của ngành khí tượng, nền nhiệt độ nếu nằm trong phạm vi từ 35°C đến dưới 37°C được gọi là nắng nóng. Từ 37°C đến dưới 39°C là trạng thái nắng nóng gay gắt. Từ 39°C trở lên được xếp là nắng nóng đặc biệt gay gắt còn nếu dưới 35°C thì là nền nhiệt độ bình thường.
Với những gì diễn tiến trong những ngày qua, có thể khẳng định rằng năm nay nắng nóng đến sớm hơn so với cùng kỳ năm 2014. Năm ngoái, phải đến giữa tháng 3 mới có đợt nắng nóng đầu tiên nhưng năm nay, ngay tuần đầu tiên của tháng 3 đã xảy ra nắng nóng. Cụ thể trong ngày 1-3, nhiệt độ cao nhất đo được tại Nhà Bè - TPHCM là 34,9°C; tại Đồng Xoài - Bình Phước là 36,5°C; tại Biên Hòa 36,9°C; tại Long Khánh - Đồng Nai 36,5°C; tại Tây Ninh 35,3°C; khu vực Thủ Dầu Một 36,3°C. Xuôi về miền Tây Nam bộ, tại Mộc Hóa - Long An nhiệt độ đo được vào ngày 1-3 là 34°C; tại Bến Tre 32,5°C và tại Cần Thơ là 32,7°C.
- Không khó để nhận ra rằng nền nhiệt độ có sự suy giảm từ miền Đông Nam bộ sang miền Tây Nam bộ, còn nhiệt độ tại TPHCM có vẻ đứng ở giữa. Ông giải thích sao về điều này?
Đúng là nhiệt độ thay đổi theo hướng giảm từ miền Đông sang miền Tây Nam bộ, hay nói chính xác hơn là nhiệt độ khu vực miền Đông Nam bộ cao hơn, gay gắt hơn khu vực miền Tây Nam bộ. Lý do là vì ở miền Tây Nam bộ có đặc thù sông nước bao trùm phần lớn. Nền nhiệt độ ở miền Tây Nam bộ thường dễ chịu hơn, thấp hơn so với khu vực miền Đông Nam bộ là do “ăn theo” tác dụng của sông nước tự nhiên. Trong khi đó xét về vị trí địa lý, Sài Gòn nằm kẹp giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, bởi thế nền nhiệt độ không cao như ở miền Đông Nam bộ nhưng không thấp như ở miền Tây Nam bộ.
- Ông có thể giải thích đơn giản nhất để người dân hiểu tại sao năm nay nắng nóng xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ năm 2014?
Nắng nóng đến sớm hơn trong năm nay là do tác động của chỉ số Enso. Chỉ số Enso để chỉ dao động mực nước biển trung bình ở khu vực Thái Bình Dương. Năm nay, chỉ số Enso nằm ở phía trên trung bình, lệch về pha nóng vì thế làm cho nắng nóng xuất hiện sớm hơn. Mới đầu tháng 3 mà chỉ số Enso đã lệch về pha nóng do đó chúng tôi dự báo trong vài tháng tới có khả năng xảy ra hiện tượng El Nino nhẹ. Khi xảy ra El Nino, thông thường miền Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khu vực miền Bắc.
- Ông dự báo nắng nóng năm nay ở TPHCM và khu vực Nam bộ cao đến mức nào và thời điểm nào cao nhất?
Theo dự báo của chúng tôi, trong thời gian tới chắc chắn nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và sẽ đạt đỉnh nắng nóng từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, đi kèm theo đó là tình trạng khô hạn. Dự báo trong những ngày cao điểm nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ở miền Đông Nam bộ vào khoảng 38°C - 39°C còn tại miền Tây Nam bộ là từ 36°C - 37°C. Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 cũng có khả năng xuất hiện mưa chuyển mùa ở Nam bộ, đồng nghĩa với khả năng có thể xảy ra dông lốc và sét.
THIỆN NHÂN thực hiện
| |