Năm học 2012 - 2013, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, TP trên cả nước. Đây là mô hình tổ chức trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy người học làm vị trí trung tâm. Sau hơn một năm triển khai áp dụng, nhiều địa phương khẳng định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này vào việc tổ chức trường, lớp, bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc truyền thụ tri thức cho học sinh.
Bỡ ngỡ ban đầu
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2013 - 2014, ông Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thông (huyện Củ Chi) - đơn vị duy nhất được chọn tham gia thí điểm mô hình VNEN tại TPHCM cho biết: “Khó khăn đầu tiên mà nhà trường gặp phải là tâm lý hoang mang, lo lắng của phụ huynh. Do mô hình còn quá mới mẻ, cả TP chỉ có một trường thí điểm nên nhiều phụ huynh cứ nghĩ đây là một sự cải cách giáo dục, thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa, trong đó học sinh được chọn là đối tượng thí điểm”.
Để trấn an phụ huynh, tại hội nghị cha mẹ học sinh đầu năm học, nhà trường đã trình bày đầy đủ về ý nghĩa, mục đích cũng như cách thức thực hiện chương trình. Theo đó, việc giảng dạy vẫn theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong đó, nội dung được sắp xếp lại cho phù hợp với hình thức tổ chức lớp học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Anh Nguyễn Khanh, phụ huynh có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Tân Thông cho biết, thời gian đầu mới áp dụng chương trình, các cháu còn bỡ ngỡ. Song, chỉ sau hai tuần làm quen với phương pháp dạy học mới, trong đó lớp học được tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ, giáo viên hạn chế làm việc chung theo lớp mà trao đổi riêng với từng nhóm riêng biệt khiến ngày nào đi học về con gái anh cũng hớn hở khoe về những thành tích phát biểu, ý kiến đóng góp của mình. Đó là chưa kể sức hút từ phòng học được thiết kế thành 4 góc riêng biệt: Góc tiếng Việt, toán, tự nhiên xã hội và góc các hoạt động giáo dục. Chính học sinh được chọn là những chủ thể sưu tầm tài liệu, đồng thời qua sự hướng dẫn của giáo viên, các em có thể tự tay làm ra những sản phẩm, dụng cụ thực hành hỗ trợ quá trình dạy học.
Nhờ đó, các em không những phát huy được tính chủ động, sáng tạo mà còn tạo dựng được hứng thú, xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu. Bên cạnh đó, mỗi lớp còn có một hội đồng tự quản, gồm một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban quản lý học tập, văn nghệ, vệ sinh… do chính các thành viên trong lớp ứng cử và bầu chọn.
“Mỗi ngày đến trường với tụi em bây giờ không chỉ là học tập, rèn luyện tri thức mà còn được trau dồi kỹ năng quản lý, xử lý tình huống, cảm giác như mình là một người trưởng thành thực thụ”, một học sinh lớp 3 đang theo học mô hình VNEN ở TPHCM bày tỏ.
Cần thêm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo
Trong hội nghị triển khai dự án mô hình VNEN tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “VNEN là mô hình tổ chức lớp học phù hợp với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hướng tới các mục tiêu đổi mới sư phạm, đổi mới phương pháp dạy và học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Sau thời gian áp dụng thí điểm ở bậc tiểu học, dự án sẽ được xem xét nghiên cứu để mở rộng ở cấp THCS”.
Riêng tại TPHCM, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Vừa qua, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho đại diện 24 quận/huyện tham quan thực tế, đồng thời tổ chức hội thảo giới thiệu, đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi. Mục tiêu của sở là đến năm 2014 - 2015, nhân rộng mô hình VNEN ở các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày trên địa bàn 5 huyện ngoại thành. Sau đó, đến năm 2015 - 2016, mô hình này sẽ được áp dụng ở các trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày trên địa bàn các quận còn lại”.
Để làm được điều này, cơ quan lãnh đạo đã chỉ đạo các trường tổ chức lớp học, trang trí lớp, xây dựng góc học tập theo tinh thần VNEN, trong đó vận động sự tham gia đóng góp của PHHS nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng vào việc tổ chức và nhân rộng mô hình này.
Tuy nhiên, một trong những đặc điểm nổi bật của mô hình là chuyển đổi từ việc đánh giá bằng điểm số theo phương pháp dạy học truyền thống sang đánh giá bằng nhận xét, đo lường mức độ hiệu quả công việc và năng lực thực hiện của học sinh. Điều này trái với tinh thần Thông tư 32 do Bộ GD-ĐT ban hành, trong đó quy định hình thức đánh giá năng lực học tập của học sinh bằng sự kết hợp của cả hai hình thức cho điểm và nhận xét. Do đó, hiện nay một số nơi vẫn đang lúng túng trong việc thực hiện.
“Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản chỉ đạo không chấm điểm học sinh lớp 1 trong suốt quá trình dạy học, chỉ cho điểm bài kiểm tra cuối kỳ. Song, mô hình trường tiểu học mới áp dụng cho cả 5 khối lớp 1, 2, 3, 4, 5. Như vậy đối với học sinh các khối còn lại, mô hình tổ chức trường học mới đang có điểm mâu thuẫn với quy định chung về đánh giá kết quả học tập của học sinh”, một giáo viên ở tỉnh Kon Tum bày tỏ.
Do đó, thiết nghĩ để mô hình trường tiểu học mới được nhân rộng, cần có thêm một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu như hiện nay.
THU TÂM
| |