Hồ đập hụt hơi
Theo Tổng cục Thủy lợi, khu vực duyên hải Nam Trung bộ từ cuối năm 2019 đến giai đoạn đầu năm 2020 lượng mưa rất thấp, nhiều địa phương không có mưa. Dự báo đến đầu vụ hè thu 2020, các hồ chứa ở khu vực này đồng loạt khô nước, chỉ đạt khoảng 20%-75%; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ sẽ trơ đáy…
Tại tỉnh Quảng Nam, tổng lượng nước tại 73 hồ chứa thủy lợi đều thiếu hụt khoảng 74 triệu m3 . Riêng đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu hụt so với dung tích hữu ích là 653 triệu m3. Đi qua những vùng sản xuất ở huyện Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước, thấy rõ nguy cơ hạn hán đang ngày càng khốc liệt. Trong đó, 3 hồ chứa thủy lợi Phước Hà, Cao Ngạn và Đông Tiển (Thăng Bình) đang dần bị nắng hạn rút cạn. Hồ Phước Hà và hồ Cao Ngạn mực nước xuống thấp nhất trong 20 năm trở lại đây, thấp hơn 3m so với bình thường; hồ Đông Tiển thấp nhất từ khi đưa vào vận hành; trên 400ha cây trồng đang hưởng nước từ 3 hồ thủy lợi trên buộc phải dừng sản xuất.
Trở vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, viễn cảnh khô hạn đang dần chuyển dịch đến thời đoạn khốc liệt hơn, ruộng đồng nhiều vùng thiếu nước nhiều tháng trời nên nông dân bắt đầu bỏ ruộng. Theo ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện dung tích trữ nước của tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp hơn 30% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, các hồ chứa lớn như: Nước Trong, Đakđrinh, Liệt Sơn, Hóc Dọc, Thới Lới, Hố Quýt, Huân Phong mực nước chỉ đạt 20%-80% so với dung tích thiết kế. Khả năng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào cuối vụ đông xuân và vụ hè thu (2020) đã hiện hữu rõ rệt.
Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định với diện tích chỉ 550km2 nhưng có đến 45 hồ chứa nhỏ và vừa (bình quân 12km2/hồ) song vẫn đứng trước nguy cơ bị hạn nặng. Báo cáo mới đây của Phòng NN-PTNT huyện này thể hiện, từ đầu năm 2020 đến nay, địa phương hầu như không có mưa. Hiện, cả 45 hồ chứa chỉ tích nước được trên 50% dung tích thiết kế; trong đó, hồ Núi Miếu và hồ An Tường đã khô cạn. Còn tại huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) hồ Tà Niêng đã trơ đáy, 31ha lúa phải dừng sản xuất…
Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Định cho biết: “Theo dự báo, hạn hán năm nay sẽ còn khốc liệt hơn năm 2019 nhiều. Bình Định có 165 hồ chứa thủy lợi, trong đó khoảng 100 hồ chứa vừa và nhỏ đang tích nước rất ít, không thể cầm cự đến mùa khô. Căn cứ vào lượng nước thực tế ở các hồ chứa, địa phương đang lên phương án phải dừng sản xuất 5.165ha lúa hoặc có thể cao hơn, tùy thuộc vào tình hình mới”.
Chủ động duy trì sản xuất
Ông Nguyễn Xuân Thắng (52 tuổi) đang canh tác gần 1 mẫu ruộng tại Hợp tác xã (HTX) Bình Phú 2 (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết, đã nắm được dự báo về tình hình hạn nên vừa thuê người khoan giếng lớn ngay tại ruộng để duy trì sản xuất vụ hè thu. “Rút kinh nghiệm vụ hè thu năm 2019, tôi mất trắng 9 sào (500m2/sào - PV) lúa vì khô nước, năm nay phải chủ động hơn. Ở vùng này người dân chung nhau khoan giếng, cứ vài ba chủ ruộng góp tiền lại khoan giếng để dùng chung, tất cả đều tư thế sẵn sàng bước vào vụ hè thu…”, ông Thắng nói.
Cách đó không xa, ở vùng sản xuất xã Tây Phú (huyện Tây Sơn), nông dân Trần Vĩnh Quang cũng nói rằng, đã thuê người đào hồ chạy nước dự phòng và 1 hồ chứa lớn hơn rộng 1.500m2để tích trữ nước sẵn sàng bước vào vụ hè thu này. “Dù nắng hạn gay gắt, nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì sản xuất 1ha lúa trong vụ hè thu tới đây. Trong khó khăn, phải bày ra cách để khắc chế hạn, quyết tâm sẽ không bỏ ruộng”, anh Quang cương quyết.
Ông Khổng Vĩnh Thiên, Giám đốc HTX Bình Phú 2, chia sẻ: “Toàn huyện Tây Sơn có khoảng 700ha lúa với 5 HTX “ăn” nước tại Hầm Hô. Năm 2019, do xuống giống cùng 1 thời điểm nên xảy ra tình trạng thiếu nước. Hậu quả là ruộng trên dư thừa nước, ruộng dưới chết cháy, tổn thất đến gần 600 triệu đồng. Trước mắt, để chống hạn hiệu quả, chúng tôi đề xuất cần phải chỉ đạo xuống giống linh động từng vùng, từng HTX, không nên xuống giống cùng lúc”.
Vụ hè thu 2020, diện tích cây trồng khả năng bị hạn ở tỉnh Quảng Ngãi gần 13.000ha. Hạn hán đang ngày càng khốc liệt, địa phương đang dự trù phương án kèm theo vận hành hiệu quả các hồ chứa thủy lợi lớn và đề nghị hồ thủy điện Đakđrinh sẵn sàng tiếp sức chống hạn. Quảng Ngãi đã dự phòng kinh phí 150 tỷ đồng chống hạn.
Theo dự báo của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, mùa khô 2020, các địa phương sẽ có gần 30.000 hộ dân khả năng bị thiếu nước sinh hoạt. Phần lớn các hộ thiếu nước sinh hoạt đều do năng lực của một số công trình cấp nước tập trung còn hạn chế; nhiều công trình hư hỏng, bỏ hoang, chưa sửa chữa kịp vì thiếu kinh phí… |