Nạn ăn xin lại tràn lan

Cách nay gần một năm, UBND TPHCM chỉ đạo đưa người ăn xin lang thang không nơi cư trú vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sự chỉ đạo tập trung và tổ chức thực hiện đồng bộ đã tạo được chuyển biến tích cực: đường phố TPHCM đã giảm hẳn người ăn xin. Thế nhưng, thời gian gần đây, nạn ăn xin lại tái diễn tràn lan, hoạt động công khai bằng nhiều chiêu thức.
Nạn ăn xin lại tràn lan

Cách nay gần một năm, UBND TPHCM chỉ đạo đưa người ăn xin lang thang không nơi cư trú vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Sự chỉ đạo tập trung và tổ chức thực hiện đồng bộ đã tạo được chuyển biến tích cực: đường phố TPHCM đã giảm hẳn người ăn xin. Thế nhưng, thời gian gần đây, nạn ăn xin lại tái diễn tràn lan, hoạt động công khai bằng nhiều chiêu thức.

Tranh thủ ăn xin ở địa bàn giáp ranh

Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, anh Đoàn Thành Kiên (ngụ đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5) phản ánh: “Mấy ngày nay, ở dải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Cừ (giao lộ với Nguyễn Trãi) xuất hiện một phụ nữ dắt theo 2 đứa bé thường đến ngồi xin tiền. Đứa lớn chừng 4 tuổi, ở trần mặc quần đùi, đi chân trần, đứa nhỏ chừng hơn 1 tuổi không mặc quần áo, mỗi khi thấy đèn đỏ, xe dừng là 2 đứa bé lại nhào xuống gõ cửa các xe hơi xin tiền, bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông. Thấy việc người lớn bắt trẻ con ăn xin cách đó quá nguy hiểm, tôi gọi đến quận 5 báo sự việc thì được trả lời ở đó thuộc địa bàn quận 1, còn gọi quận 1 lại được trả lời ở đó thuộc địa bàn quận 5. Tìm trên mạng, thấy số điện thoại 35533258 của Trung tâm Hỗ trợ xã hội, tôi gọi báo 2 ngày liên tiếp mà không có ai bắt máy”.

Người phụ nữ này đưa 2 đứa trẻ đi xin tại dải phân cách thuộc giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi

Việc những người ăn xin chọn địa bàn giáp ranh giữa các phường và giữa các quận để né sự kiểm soát của chính quyền địa phương đang diễn ra khá phổ biến. Tại cầu Xây Dựng (nối quận 2 và quận 9) có một phụ nữ khoảng 40 tuổi dìu một cụ ông gần 80 tuổi với dáng vẻ mệt mỏi ngồi giữa trưa nắng gắt, cố tình làm ra cảnh thương tâm để xin tiền. Người phụ nữ luôn miệng cầu xin mọi người giúp, kể lể rằng ông cụ đó là cha mình đang bệnh nặng, không có tiền nằm viện nên hai cha con phải ra đây xin tiền. Một tuần sau, chúng tôi lại gặp người phụ nữ này dìu một cụ bà khác ngồi trên cầu Điện Biên Phủ (giữa quận Bình Thạnh và quận 1). Hỏi thăm thì người phụ nữ đấm ngực khóc, kể khổ là bị con cháu đuổi ra khỏi nhà.

Còn ở giao lộ Võ Văn Kiệt và Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) thường xuyên xuất hiện một người đàn ông chừng 50 tuổi lê lết dưới đất xin tiền và một bà cụ ngoài 70 tuổi đứng bán bông tăm. Khi người đi đường dừng đèn đỏ, bà nhanh chóng bước tới chào mời mua bông tăm, bị từ chối thì bà xin vài đồng lẻ để mua cơm. Cách nay hơn một năm, chúng tôi đã từng thấy bà cụ này và đã hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, bà nói là từ Thanh Hóa vào đây chăm cháu nhưng còn gần một tháng nữa con dâu mới sinh, mà ngồi ở nhà buồn chân tay nên bà đi bán bông tăm kiếm tiền phụ con. Nay chúng tôi thử hỏi lại câu hỏi cũ, bà vẫn trình bày hoàn cảnh y như năm trước. Khi đang trò chuyện với chúng tôi, bà bỗng quay ra phía sau theo tiếng huýt gió rồi vội vàng sang đường và lên xe máy của một thanh niên, người này chở bà cụ phóng nhanh vào đường Nguyễn Tri Phương.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (ngụ Bình Thạnh) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: “Trên đường đi làm về, tôi gặp một phụ nữ mang bụng bầu như gần đến ngày sinh với gương mặt thất thần ngồi xin tiền ở dưới cầu vượt Hàng Xanh. Nghĩ tội nghiệp chị ta hoàn cảnh thiếu thốn khi sắp vượt cạn nên tôi ngỏ ý giúp đưa chị đến bệnh viện để khám thai và hỗ trợ viện phí. Nhưng đáp lại thiện ý của tôi là thái độ xua đuổi. Thấy tôi chưa hiểu chuyện, ông chạy xe ôm gần đó nói nhỏ rằng cái thai đó không cần sinh mà chị ta chỉ cần tiền”.

Chính quyền địa phương dần lơ là

Khi liên hệ với lãnh đạo chính quyền các địa phương hỏi về việc xóa nạn ăn xin hoạt động trên đường phố, chúng tôi đều nghe khẳng định vẫn thường xuyên tuần tra, rà soát toàn địa bàn để kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp ăn xin và báo công an truy xét nếu phát hiện dấu hiệu chăn dắt. Tuy nhiên, khi chúng tôi liệt kê về các đối tượng ăn xin cụ thể trên địa bàn, lãnh đạo các phường lại cho biết họ chưa tiếp nhận được thông tin từ đội tuần tra! Trong khi đó, anh Trương Đình Lập (ngụ quận 3) phản ánh: “Khi phát hiện người ăn xin, chúng tôi gọi điện thoại lên phường, phải mất thời gian chờ nhân viên trực điện thoại hướng dẫn, chuyển máy hết bộ phận này đến bộ phận khác, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền điện thoại mà rồi cũng không thấy cử người đến xử lý, riết rồi ai cũng nản”. Một bác chạy xe ôm tại ngã tư Hàng Xanh cũng phàn nàn rằng gần đây ngày nào khu vực này cũng có người ăn xin, nhưng không thấy lực lượng đi kiểm tra.

Theo thông tin từ Sở LĐTB-XH TPHCM, tính đến đầu tháng 6-2015, toàn thành phố đã tiếp nhận 815 trường hợp ăn xin và người lang thang không có nơi cư trú nhất định. Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần cũng đã tiếp nhận 110 trường hợp người ăn xin, người có biểu hiện tâm thần lang thang sinh sống trên đường phố. Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐTB-XH, cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại số điện thoại đường dây nóng và chấn chỉnh thái độ làm việc nhân viên trực điện thoại. Ngoài số điện thoại bàn (08) 35533258, người dân có thể gọi vào số di động 0903959929 tiếp nhận thông tin 24/24 giờ. Về vấn đề nhiều người ăn xin hoạt động ở vùng giáp ranh giữa các quận, các phường, lâu nay chúng tôi cũng đã ghi nhận và vẫn chỉ đạo các địa phương tổ chức phối hợp kiểm tra và xử lý kịp thời. Tới đây, chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương và thống nhất quy trình xử lý rõ ràng khi thực hiện nhiệm vụ này. Trung tâm Bảo trợ xã hội đảm bảo sẽ lập tức cử người xuống làm việc nếu nhận được tin báo từ người dân”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục