Lại thêm những nạn nhân mới cho những chiêu trò cũ: chủ tiệm vàng Ý Loan (Đồng Nai) tuyên bố vỡ nợ hơn 200 tỷ đồng, nhưng vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật. Chiêu thức lách luật này không mới, đã diễn ra nhiều lần trước đây: người vay công bố vay với lãi suất cao, những lần vay đầu chi lãi suất “đẹp”, rồi tỏ vẻ ăn nên làm ra với nhà to và xe bóng loáng để tiếp tục vay nhiều người hơn, với số tiền lớn hơn… Kết cục: tuyên bố vỡ nợ! Lúc đó, người cho vay mới tá hỏa khi hay nhà và xe đó đều do người khác đứng tên, không còn gì để xiết nợ.
Đứng về góc độ pháp lý, quan hệ cho vay là quan hệ dân sự, người vay nợ vẫn thừa nhận nợ, không có dấu hiệu lừa đảo (gian dối, dùng một tài sản thế chấp nhiều nơi…), không bỏ trốn, sẽ không thể xử lý hình sự được. Vay phải trả, nhưng một khi đã vỡ nợ sẽ không còn khả năng chi trả, có kiện ra tòa, tòa cũng chỉ xử xác định khoản nợ đó, và chủ nợ phải theo dõi khi nào người vay có tài sản, báo cho cơ quan thi hành án kê biên trả nợ. Nếu người thiếu nợ có công ăn việc làm, cơ quan thi hành án cũng chỉ được quyền trích 30% thu nhập hàng tháng để trả cho các chủ nợ, chứ chẳng thể làm gì hơn.
Nhưng những người có ý lách luật thường chuyển giao tài sản cho người thân đứng tên, họ vẫn sống phè phỡn, nhởn nhơ thách thức pháp luật, mà chẳng ai làm gì được họ. Có người cho rằng đó là kẽ hở pháp luật. Thế nhưng, quy định này thể hiện tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên. Điều đáng trách là sự thiếu hiểu biết pháp luật mà lại thừa lòng tham của những người cho vay lãi suất cao.
Cha ông chúng ta vẫn thường khuyên dạy con cháu rằng đừng bao giờ tận dụng lúc người thân quen khó khăn mà trục lợi bằng cách cho vay nặng lãi. Họ đã khó mới đi vay, nếu là người thân, giúp được thì giúp. Còn nếu người không thân thì phải thận trọng, họ đã dám vay lãi cao tức là họ đang khó khăn, mình đã cho vay thì phải chấp nhận rủi ro cao. Đó là chưa kể, người rơi vào cảnh khốn khó rất dễ làm liều. Do vậy, nhìn lại nạn nhân của các vụ vỡ nợ vừa qua, nguyên nhân vẫn là do lòng tham. Ham lãi cao, nhiều người không những dùng tiền tích lũy của mình cho vay, mà còn cầm cố nhà cửa vay vốn ngân hàng cho vay lại hoặc vay vốn của người thân rồi cho vay lại lấy lời. Để rồi, con nợ vỡ nợ thì mình là người phải gánh.
Vì lòng tham, nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của chính mình. Dưới góc độ pháp luật, nhà nước không thừa nhận cho vay nặng lãi. Do vậy, người vay thường đánh vào lòng tham đó, sẵn sàng trả lãi suất thật cao đến mấy chục phần trăm một tháng để thu hút được nhiều vốn. Nhưng khi có tranh chấp về lãi suất, tòa sẽ áp dụng Điều 476 Bộ luật Dân sự để công nhận lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, nếu lãi suất cơ bản hiện nay là 7%/năm thì 150% chỉ là 10,5%/năm (tức chưa đầy 0,9%/tháng). Đó là chưa kể, nếu cho vay với lãi suất cao, khi vỡ nợ, không những người cho vay mất tiền mà còn có nguy cơ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi theo Điều 163 Bộ luật Hình sự: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, chỉ cần cho vay với lãi suất khoảng 9%/tháng và cho vay nhiều lần sẽ bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Rõ ràng, cho vay nặng lãi là điều không nên làm. Đúng như lời ông bà ta dạy: tham thì thâm!
HÀN NI