Ngày 11-8, Báo SGGP đã tổ chức tọa đàm “Hệ thống trường phổ thông ngoài công lập: Giải pháp nâng cao chất lượng” với sự tham dự của lãnh đạo một số bộ ngành như: Ông Trần Hường, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM; ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM. Bức tranh toàn cảnh về tổ chức nội trú, chất lượng giảng dạy, hiện trạng cơ sở vật chất… của các trường đã được đưa ra tại buổi tọa đàm. Nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các trường về giải pháp nâng cao chất lượng cũng đã được các nhà quản lý giáo dục, các ban ngành bàn thảo sôi nổi tại buổi tọa đàm.
Nội trú phải là ngôi nhà thứ 2
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: TPHCM hiện có 74 trường ngoài công lập với hơn 33.000 học sinh (HS) đang theo học. Trong những năm qua, các trường đã có đóng góp rất lớn trong việc giảm tải HS ở các trường công lập.
Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Ngô Thời Nhiệm, khẳng định: Học và ở nội trú đang là một nhu cầu của xã hội. Là một trong những trường phổ thông nội trú đầu tiên ở TPHCM, đến nay sau hơn 10 năm, số lượng HS nội trú của Trường Ngô Thời Nhiệm tăng dần. Mỗi năm có hơn 2.000 HS theo học tại trường, trong đó hơn 50% số HS ở nội trú. Trong số đó, không chỉ HS ngoại tỉnh học theo chế độ nội trú mà có khá nhiều HS có gia đình tại TPHCM cũng ở nội trú.
Bài toán đặt ra là: “Làm sao tổ chức ăn ở nội trú cho HS có thể sinh hoạt và học tập ổn định? Làm sao để nâng cao chất lượng dạy và học của trường?”. Để mang lại uy tín, chất lượng bằng sự tin cậy của hàng ngàn phụ huynh ở TPHCM và các tỉnh thành, trường áp dụng phương pháp giáo dục toàn diện: dạy học kiến thức, đạo đức, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật… để các em tự tin khi ra đời.
Trong đó, tổ chức chỗ ở nội trú tốt là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng ở các trường. Do đó, dù trường không kén chọn đầu vào (đầu vào thường có nhiều HS kém, lười học, từng bỏ học lêu lổng) nhưng chính hiệu suất đào tạo hàng năm của trường cao (từ năm 2005 đến nay, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ luôn cao hơn tỷ lệ bình quân của TP) đã mang lại niềm tin cho các bậc phụ huynh…
Đồng quan điểm này, TS Phạm Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Hồng Đức, cho rằng: Tổ chức chế độ nội trú là yếu tố đầu tiên và quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục của các trường. Do đó, trường phải xây dựng cơ sở vật chất tốt nhất, đảm bảo cho HS được học tập, sinh hoạt trong môi trường sạch đẹp, an toàn. Hệ thống phòng ở khang trang, tiện nghi, có sân chơi, hoạt động ngoại khóa… để trường nội trú là mái nhà chung, là mái nhà thứ hai của mỗi HS.
Tuy nhiên, hiện chính sự dễ dãi trong công tác quản lý cấp phép thành lập các trường tư thục dẫn đến mất uy tín, ảnh hưởng chung đến hệ thống ngoài công lập. Các trường tư thục mọc lên như nấm, có những trường cơ sở vật chất trong tình trạng trường không ra trường, lớp không ra lớp cũng trưng biển quảng cáo tràn lan, tuyển sinh tùy tiện, ồ ạt. Có nơi chỉ là một căn nhà phố như nhà trọ cũng được coi là một cơ sở của trường tư thục. Sự nhếch nhác về cơ sở vật chất, giáo viên được tuyển dụng tùy tiện, lượng HS bị phân tán nhỏ lẻ, dạy và học không đảm bảo chất lượng, đã ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống trường dân lập và tư thục.
Thiếu quỹ đất
TS Lê Trọng Tín, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, cho biết: Theo quy định, một trường phổ thông có quy mô 35 lớp phải có diện tích 1ha đất, đó là chưa kể những hạng mục khác cần thiết để giáo dục toàn diện. Trường ngoài công lập không tổ chức nội trú, sẽ khó thu hút HS nhưng nếu xây thêm khu nội trú, lại thiếu quỹ đất. Bản thân Trường Nguyễn Khuyến có đến 60% là HS ngoại tỉnh nên phải tổ chức nội trú. Khó khăn hiện nay của các trường là thiếu những quy định cụ thể về việc tổ chức nội trú cho HS phổ thông và quỹ đất hạn hẹp. Trường được cấp đất ở quận 9 nhưng từ năm 2005 đến nay vẫn chưa thể xây dựng được vì vướng đền bù giải tỏa.
PGS-TS Trần Hữu Tá, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, chia sẻ: Xây dựng trường phổ thông ngoài công lập đòi hỏi tổ chức nội trú để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đảm bảo mức sống giáo viên
TS Hồ Thiệu Hùng, Viện Nghiên cứu giáo dục, chỉ rõ: Các trường ngoài công lập thuần nội thường có đầu vào khá thấp, chủ yếu thuộc 3 dạng chính: HS rớt trường công, con em gia đình khá giả hoặc diện HS “tị nạn” ngay trong nước, tức là những phụ huynh không muốn con em mình học như chạy sô trong các trường công lập. Thế nên, trường ngoài công lập có tỷ lệ đậu cao ngang hàng trường công là một nỗ lực rất lớn.
Thực tế việc đánh giá tuyển sinh của giáo dục VN hiện nay chưa đủ, chỉ thông qua 3 môn Toán - Văn - Ngoại ngữ để tuyển sinh là chưa đủ, bỏ qua nhiều loại kiến thức khác. Nhiều trường khuyến cáo HS không thể dục, không thể thao, không văn nghệ… mà chỉ có luyện thi.
Thiết nghĩ, để cải tiến chất lượng giáo dục không chỉ có trường tư hay riêng trường công mà phải là tổng thể, bắt đầu từ đổi mới chương trình học phổ thông vốn đã lạc hậu. Muốn vậy phải bắt đầu đi từ triết lý giáo dục là dạy người học để biết hay để làm, dạy làm người hay dạy cho HS trở thành robot? Muốn vậy, chúng ta phải dạy cho người học tư duy độc lập và giao cho họ cái la bàn định hướng để đi, không nên dạy trẻ theo một lối mòn khuôn mẫu lâu nay vì chỉ tăng tiết, học nhồi nhét không thể nào thay đổi được chất lượng thật sự.
Bài học kinh nghiệm của Trường Trương Vĩnh Ký là: khảo sát nguyện vọng của HS sau lớp 12 để tập trung luyện thi cho các em. Ngoài chương trình của Bộ GD-ĐT, các trường ngoài công lập buộc phải có học nâng cao, luyện thi thêm để giữ vững kết quả học tập của HS. Nhà trường phải xác định môn học trọng điểm, thế mạnh để tạo bản sắc riêng cho trường…
Để nâng cao chất lượng không gì bằng đảm bảo đời sống cho các nguồn lực vận hành trong nhà trường. PGS-TS Đoàn Văn Điện tán thành quan điểm “có thực mới vực được đạo”. Theo đó, giáo viên phải an tâm với thu nhập để không kéo HS về nhà dạy thêm. Như giáo viên của Trường Trương Vĩnh Ký có mức thu nhập trung bình là 12 triệu đồng/tháng, nhiều giáo viên còn cao hơn: 20 - 25 triệu đồng/tháng.
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến: Báo SGGP sẽ có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng để giúp các trường phát triển TPHCM đi đầu cả nước trong triển khai và thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ trường phổ thông ngoài công lập đầu tiên ra đời cách đây hơn 10 năm, đến nay mạng lưới các trường ngoài công lập đã phủ khắp các bậc học từ mầm non, phổ thông đến ĐH với hàng chục ngàn học sinh, sinh viên đang theo học. Đây là sự đóng góp to lớn của cộng đồng xã hội trong việc tạo dựng một xã hội học tập, giúp giảm tải gánh nặng cho ngân sách đang phải căng mình trang trải quá nhiều cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Để TP có được tầm vóc như hôm nay, có thể khẳng định có công sức không nhỏ của hệ thống các trường ngoài công lập trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. |
LÊ LINH - TIÊU HÀ