Nâng cao chất lượng đô thị TPHCM

Chất lượng sống chưa đảm bảo
Nâng cao chất lượng đô thị TPHCM

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về thực hiện Quyết định 1659 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia từ nay đến năm 2020, Sở Xây dựng TP đang dự thảo xây dựng “Kế hoạch xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đô thị TPHCM giai đoạn 2012 - 2020”. Mục đích của việc xây dựng kế hoạch này nhằm phát triển đô thị TPHCM đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới.

Tiêu chí dự án nhà ở thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng (một dự án nhà ở có nhiều cây xanh tại khu Nam Sài Gòn). Ảnh: HUY ANH

Tiêu chí dự án nhà ở thân thiện với môi trường ngày càng được chú trọng (một dự án nhà ở có nhiều cây xanh tại khu Nam Sài Gòn). Ảnh: HUY ANH

Chất lượng sống chưa đảm bảo

TPHCM là một đô thị đặc biệt có diện tích gần 2.100km² với dân số khoảng 10 triệu người. TPHCM là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, quá trình đô thị hóa nhà, dẫn đến sự gia tăng dân số quá nhanh trong những năm gần đây nên áp lực đối với kết cấu hạ tầng đô thị của TP bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vốn đã quá tải như ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm môi trường, thiếu điện, quá tải bệnh viện, thiếu nhà ở… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người dân TP. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của TP trong những năm qua tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và phát triển của TP. Đây là những thách thức mà TP phải giải quyết nhằm đạt các yêu cầu phát triển bền vững.

Theo tờ trình về việc ban hành kế hoạch này, Sở Xây dựng TP cho rằng, thời gian qua, UBND TP đã chỉ đạo triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển và từng bước nâng cao chất lượng sống của TP. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn chưa toàn diện, một số chỉ tiêu trong các ngành, lĩnh vực vẫn chưa đạt.

Chính vì thế, việc ban hành kế hoạch xây dựng và triển khai, nâng cao chất lượng đô thị của TP giai đoạn từ nay đến năm 2020 để thực hiện Quyết định 1659 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia là cần thiết. Theo Sở Xây dựng TP, mục đích của việc ban hành kế hoạch, xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đô thị TPHCM từ nay đến năm 2020 là để phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, quận, huyện, tổ chức cá nhân có liên quan, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình tự xây dựng kế hoạch cho đơn vị của mình kèm theo các giải pháp cụ thể để thực hiện hoặc phối hợp thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện phù hợp với điều kiện phát triển chung của TP và QĐ 1659 của Chính phủ.

Phát triển dự án nhà ở thân thiện môi trường

Mục tiêu đến năm 2020, TPHCM sẽ đạt các tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt tương ứng với các đô thị lớn trong khu vực. Theo đó, tỷ lệ diện tích sàn xây dựng bình quân đạt 20m²/người, nhà kiên cố đạt 40%. Tỷ lệ đất giao thông so với đất ở đạt 12,2%; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đáp ứng tối thiểu 25% nhu cầu. Tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch với tiêu chuẩn cấp nước đạt 100% với 180 lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 80% diện tích lưu vực thoát nước trong đô thị. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý đạt 60%, 100% các cơ sở sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 95%.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của TP, khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt 100%; 100% chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đất cây xanh đô thị đạt 15m²/người; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 4,6m²/người. Đó là một trong những nội dung tại dự thảo Kế hoạch xây dựng và phát triển, nâng cao chất lượng đô thị TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2020 đang được lấy ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện.

Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo kế hoạch đã phân công tổ chức thực hiện cụ thể cho từng sở, ngành. Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục tham mưu đề xuất cho UBND TP các tiêu chí về công trình xanh, công trình sạch và tổ chức thực hiện; có kế hoạch xử lý, di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP; hoàn thiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP để trình UBND TP phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Sở Xây dựng TP chủ trì nghiên cứu các cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng trong lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất UBND TP ban hành các quy định chi tiết về quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, các tiêu chí công trình xanh, tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng trên địa bàn TP nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu…

Góp ý xây dựng dự thảo kế hoạch, Sở Tài nguyên - Môi trường và Viện Nghiên cứu Phát triển đề nghị nên nhấn mạnh các chỉ tiêu gia tăng như dự án nhà ở thân thiện với môi trường, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; các chỉ tiêu về môi trường, không khí và nước.

BÌNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục