Một trong những giải pháp của Chính phủ để kiềm chế lạm phát là nâng cao chất lượng, hiệu quả và giám sát chặt chẽ đầu tư công. Có ý kiến cho rằng, đầu tư công chính là đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vì khi đánh giá về đầu tư công, không chỉ xem xét các dự án sử dụng vốn ngân sách mà phải nghiên cứu cả các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, kể cả vốn của các doanh nghiệp Nhà nước. Phải mở rộng khái niệm đầu tư công để giám sát đầu tư cho hiệu quả. Trên thế giới, ngay cả các dự án mà Nhà nước chỉ đầu tư một phần cũng được coi là đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2001-2005, đầu tư công khoảng 286.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến giai đoạn 2006-2010, con số này trên 739.000 tỷ đồng, chiếm trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 5 năm tới, dự kiến tỷ trọng phần vốn này cũng tương tự như các giai đoạn trước đó. Tỷ trọng vốn Nhà nước đầu tư cho các dự án công là rất lớn nên việc quản lý và sử dụng có hiệu quả phần vốn này là rất cần thiết. Đối với nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi nguồn vốn Nhà nước có hạn thì việc nâng cao hiệu quả đầu tư công là một một thách thức lớn cần giải quyết.
Trong bối cảnh lạm phát, nguồn lực xã hội còn hạn hẹp như hiện nay thì việc giám sát chặt chẽ dù chỉ một đồng vốn của Nhà nước, hoặc vốn Nhà nước đi vay cũng giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế. Nhưng hiện Việt Nam đang thiếu một văn bản pháp luật nhất quán, điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư công, nhiều khâu trong quá trình quản lý đầu tư công còn chưa được quy định trong các luật liên quan, chủ yếu được quy định tại các văn bản dưới luật, đồng thời những nội dung có quy định rải rác trong các luật đôi khi cũng thiếu nhất quán.
Cải cách hệ thống quản lý đầu tư công là vấn đề có nhiều thách thức mà nhiều quốc gia khác cũng phải đối mặt. Nhiều nước đạt được trình độ quản lý đầu tư công tốt cũng phải trải qua thời gian dài để nâng cao năng lực, giải quyết các thách thức, quan trọng là có nỗ lực và quyết tâm cải cách. Đầu tư công hay quản lý đầu tư công sẽ nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cấp bách, thiết thân trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, công khai minh bạch chi tiêu công, chống gây lãng phí ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư là vấn đề mang tính chiến lược để vượt qua khó khăn đang phải đối đầu.
NGUYỄN THANH VŨ (Tân Phú)
Tiết kiệm điện ở công sở
Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp sản xuất đã có nhiều giải pháp tiết kiệm điện như thay đổi, cải tiến công nghệ sản xuất, cắt giảm các thiết bị sử dụng điện không cần thiết... Song nhìn chung việc tiết kiệm điện vẫn chưa được thực thi triệt để. Nguyên nhân là lượng điện năng tiêu thụ tăng hay giảm thì cũng do nguồn ngân sách chịu. Mỗi cơ quan lại có nhiều bộ phận nên rất khó xác định bộ phận nào sử dụng điện lãng phí.
Chính vì vậy để phong trào tiết kiệm điện trở thành một cuộc vận động rộng khắp trong tất cả công sở, doanh nghiệp, những cán bộ lãnh đạo đứng đầu phải nâng cao vai trò thực hành tiết kiệm điện. Họ phải là người quán triệt nhiệm vụ tiết kiệm điện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới, loại bỏ tư tưởng không phải móc tiền túi ra trả nên sử dụng vô tội vạ. Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, bộ phận sử dụng điện lãng phí. Tránh tình trạng chỉ đạo tiết kiệm điện chỉ dừng lại trên các văn bản giấy tờ mà không trở thành một hành động thiết thực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
VĂN THY HOÀNG (Quảng Nam)
>> Tiết kiệm: Khôn ngoan và thận trọng!