Nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

° Tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH

° Tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH

(SGGP).- Ngày 10-3, tiếp tục phiên họp toàn thể thứ 4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về các hình thức giám sát, phản biện xã hội.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, dù đã có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; của cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được phản biện xã hội… song Luật MTTQ Việt Nam chưa nêu rõ về cơ chế thực hiện trách nhiệm đó như thế nào và đặc biệt là giá trị pháp lý của những kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam. “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian qua chưa đạt kết quả như mong đợi”, ông Ngô Sách Thực bình luận. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết liên tịch đã thiết kế 3 chương về bảo đảm hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp nhằm làm rõ hơn về trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể có thẩm quyền liên quan.

Phiên họp toàn thể lần thứ 4 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra trong 2 ngày.

Cho ý kiến vào dự thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phạm Trí Thức nêu, để bảo đảm việc xây dựng nghị quyết có tính khả thi, chất lượng thì cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết là “quy định trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp”. Đồng thời cần cụ thể hóa các nguyên tắc giám sát, phản biện xã hội được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam theo hướng không trùng lắp, không thể một vụ việc có nhiều cơ quan, tổ chức cùng thực hiện giám sát trong cùng một thời gian, một địa bàn nhất định. “Dự thảo nghị quyết cần quy định việc tổ chức các đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam ở Trung ương phải có cơ chế phối hợp với UBTVQH, Chính phủ; giám sát của MTTQ Việt Nam ở địa phương phải có cơ chế phối hợp với HĐND, UBND cùng cấp”, ông Phạm Trí Thức phát biểu.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, ông Ngô Sách Thực khẳng định sẽ bổ sung, chỉnh lý dự thảo cho phù hợp: “Phản biện xã hội cũng sẽ làm theo “đơn đặt hàng” chứ không làm tràn lan để tránh sự chồng chéo, trùng lắp. Làm sao để giám sát, phản biện xã hội phát huy dân chủ nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hay quy trình ban hành văn bản pháp luật đã được pháp luật quy định”.

Theo Văn phòng Quốc hội, từ ngày 14 đến ngày 22-3-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiến hành phiên họp thứ 8. Tại phiên họp, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo. Một số dự án luật khác cũng sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp, gồm: Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi).

Cơ quan thường trực của Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương,trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước; xem xét, thông qua Nghị quyết quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội… Một dự thảo nghị định quan trọng khác của Chính phủ về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng sẽ được UBTVQH bàn thảo.

Đặc biệt, theo chương trình, ngày 21-3, UBTVQH sẽ dành trọn ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục