Quán triệt các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X), đồng chí Tô Huy Rứa:

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng

ảnh
Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng

“Toàn bộ nội dung chương trình Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) lần này tập trung vào hệ thống các chuyên đề vừa cơ bản, vừa cấp bách nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, nhằm đổi mới về mặt chính trị để tạo sự hài hòa, đồng bộ với đổi mới kinh tế, để sự nghiệp đổi mới phát triển toàn diện và có chất lượng, hiệu quả hơn”- Đó là phần mở đầu bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa (ảnh), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khi kết thúc Hội nghị nghiên cứu quán triệt các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa X tại tỉnh phía Nam (từ ngày 10 đến 11-9 tại TPHCM).

Bộ phận “đặc biệt quan trọng”

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng ảnh 1

Trong quan điểm chỉ đạo đối với công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, lần đầu tiên, Trung ương đã tổng kết thực tiễn và xác định các quan điểm chỉ đạo đối với lĩnh vực tư tưởng, lý luận, báo chí, trong đó chứa đựng nhiều nội dung rất mới.

Đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ, Trung ương khẳng định đây là một bộ phận “đặc biệt quan trọng” trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là “lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ”; là “cơ sở để khẳng định, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng ta về chính trị, lý luận, văn hóa và đạo đức”.

Một nội dung được đồng chí Tô Huy Rứa lưu ý thêm, đó là phải quan tâm đến tính đặc thù, những quy luật đặc thù của công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, để từ đó định ra những yêu cầu có tính phương pháp luận và phương pháp khoa học phù hợp hơn. Trung ương còn khẳng định công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là công tác đối với con người, cho nên phải gắn chặt lý trí với tình cảm; gắn sự định hướng với tính tự nguyện. Trung ương cũng nhấn mạnh phải đề cao việc phát huy dân chủ, tự do tư tưởng, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo của toàn Đảng và toàn xã hội, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Bước phát triển về tư duy và tổng kết thực tiễn

Khẳng định công tác kiểm tra, giám sát là một bước phát triển về tư duy và tổng kết thực tiễn của Đảng, đồng chí Tô Huy Rứa phân tích: Trung ương xác định rõ chủ thể và đối tượng của kiểm tra, giám sát và nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát và xem nó là nhiệm vụ thường xuyên, toàn diện và phải thực hiện có hiệu lực, hiệu quả; gắn giám sát với kiểm tra, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn, giải quyết từ khi mới manh nha, không để xảy ra vi phạm; kết hợp “xây với chống”, lấy “xây” làm chính.

Khi trình bày những chủ trương và giải pháp đối với nội dung mới trong nghị quyết, đồng chí Tô Huy Rứa đặc biệt lưu ý tới 2 nội dung. Một là, phải chuẩn hóa và pháp quy hóa quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát. Hai là, nghị quyết đã xác định rõ phần trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, quản lý báo chí; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; kinh tế, tài chính; hành chính, tư pháp; tổ chức, cán bộ và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện lại quy chế dân chủ cơ sở.

Đảng là cơ quan lãnh đạo chứ không làm thay các tổ chức

Khi bàn về chủ đề Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, đồng chí Tô Huy Rứa khẳng định, Trung ương rất quan tâm đến tính đồng bộ và tính tổng thể trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị.

Đó là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị phải đặt trong tổng thể công tác chỉnh đốn Đảng; đồng bộ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế, xuất phát từ yêu cầu tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế và phải trực tiếp tác động vào quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Về giải pháp, đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh, nghị quyết nêu nhiều điểm mới và quan trọng. Về mặt nội dung, phương hướng hoạt động, Đảng giữ đúng vai trò là cơ quan lãnh đạo chứ không làm thay các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp tục đề cao hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ; tôn trọng và phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, như Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ…

Cải cách hành chính đồng bộ với cải cách lập pháp

Về chủ trương và giải pháp, đồng chí Tô Huy Rứa nêu rõ 10 nội dung quan trọng và rất toàn diện, gắn chặt nhiệm vụ với giải pháp trong nghị quyết về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”. Đồng chí lưu ý nhiều vấn đề mới, đó là: Thực hiện cải cách hành chính phải đồng bộ với cải cách lập pháp, trong đó, đặc biệt chú ý đến chất lượng xây dựng luật. Phải khắc phục bằng được tình trạng ban hành luật khung, phải chờ ban hành nghị định mới thực hiện được luật, hay tình trạng ban hành luật có những nội dung không rõ, không đủ sức điều chỉnh phạm vi cuộc sống, tạo kẽ hở và sự lúng túng cho cả cơ quan pháp luật và người thực hiện, chấp hành pháp luật.

Vấn đề xác định mô hình chính quyền địa phương, đồng chí Tô Huy Rứa cho rằng, cũng có những nội dung mới trên nguyên tắc là tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương phải bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, nhà nước đơn nhất, trong đó sự phân biệt mô hình tổ chức chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị là một nội dung rất mới, cần nhận thức và quán triệt để tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo và tổ chức. Nghị quyết chủ trương không tổ chức HĐND ở huyện (nông thôn) và ở quận, phường (đô thị), nhưng ở xã (nông thôn) có cả HĐND và UBND; còn ở quận, phường chỉ có UBND. Đây là chủ trương mới, nên nghị quyết yêu cầu thực hiện thí điểm, qua đó, tổng kết, đánh giá, xem xét để có chủ trương mà sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp. 

TUẤN SƠN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục