Nâng cao thương hiệu hàng Việt

Việc Bộ Chính trị vừa ban hành thông báo kết luận về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc khôi phục nền kinh tế sau những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên vẫn còn có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của cuộc vận động.

Bởi trước đó việc kêu gọi, khuyến khích người dân mua và sử dụng hàng sản xuất trong nước đã được đặt ra nhiều lần, gần đầy nhất là cuộc vận động “Người tiêu dùng Việt Nam dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương phát động cuối năm 2008. Ở các địa phương như Bình Dương còn có chương trình “Thanh niên Việt Nam dùng hàng Việt Nam”... Song các cuộc vận động này đều nặng tính hô hào, chưa mang lại kết quả như mong muốn. Do vậy băn khoăn là có cơ sở.

Tuy nhiên, kết luận của Bộ Chính trị về cuộc vận động này vẫn khẳng định việc khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội, nhưng về mục tiêu, quy mô và cách thức triển khai đã có sự thay đổi lớn. Về quy mô cuộc vận động, đã có Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đông đảo lực lượng thành viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp...

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ trong xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao... là những việc chưa có trong các cuộc vận động trước. Về mục tiêu, Đảng kêu gọi nhân dân hãy vì tinh thần yêu nước để ưu tiên dùng  hàng Việt Nam, chứ không phải quá duy ý chí như các cuộc vận động trước đó.

Nói vậy để thấy cuộc vận động lần này có thành công hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc triển khai của các địa phương, ban ngành, đoàn thể. Để cuộc vận động không rơi vào tình trạng hô hào suông, khẩu hiệu, cần lưu ý đến vai trò của doanh nghiệp. Đảng kêu gọi người dân đến với hàng sản xuất trong nước nhưng nếu chất lượng hàng nội kém, giá lại đắt thì không thể thuyết phục người tiêu dùng ủng hộ để chứng tỏ lòng yêu nước. Xét về góc độ tiết kiệm, Nhà nước hướng việc sử dụng ngân sách trong mua sắm vào hàng nội nhưng hàng nội chất lượng thấp, sẽ đồng nghĩa với gây lãng phí.

Mục đích của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã được Bộ Chính trị nêu rõ. Nhưng để thực hiện tốt, hiệu quả cuộc vận động này, ngoài tinh thần trách nhiệm, ý thức của người tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cùng vào cuộc mạnh mẽ.

Theo đó, các doanh nghiệp phải hướng vào việc nâng cao thương hiệu hàng Việt, sản xuất hàng chất lượng cao giá thành hợp lý; loại bỏ ngay những kiểu làm ăn chụp giật, gian dối; tự thân các doanh nghiệp phải chứng minh được lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của chính mình ngay tại thị trường nội địa.

Nếu cộng đồng doanh nghiệp làm tốt những việc nói trên, chắc chắn người tiêu dùng sẽ từ chỗ mua hàng nội theo phong trào đến chỗ chọn mua vì sự tin yêu. Và đây mới là mấu chốt cho sự thành công của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Lương Duy Cường (TPHCM)

(Theo ĐTTC)

Tin cùng chuyên mục