Nâng cao vị thế ngành Khoa học xã hội và nhân văn

Nâng cao vị thế ngành Khoa học xã hội và nhân văn

Nhiệm vụ của ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) là cung cấp các luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước nhanh và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị. Thực tế, những kết quả nghiên cứu của ngành KHXH-NV đã giúp Chính phủ hoạch định các chính sách đúng đắn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó, KHXH-NV đóng vai trò thiết yếu để phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Vì thế, KHXH-NV cần phải được đặt đúng vị trí, vai trò của nó và việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực KHXH-NV phải luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.

Thế nhưng, chưa bao giờ ngành học quan trọng ấy lại bị xem nhẹ như hiện nay. Các số liệu thống kê cho thấy số lượng thí sinh lựa chọn vào khối C những năm gần đây ngày càng giảm sút. Quy mô đào tạo các ngành Văn, Sử, Địa, Triết... ngày càng thu hẹp, ở nhiều trường đại học địa phương, ngành KHXH-NV hầu như không tuyển sinh được. Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng thí sinh thi vào khối C những năm gần đây chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hồ sơ đăng ký. Nhưng trong đó, chỉ có khoảng 30% là thí sinh ở các thành phố, còn lại hầu hết đều từ khu vực nông thôn. Năm nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số học sinh cả nước đăng ký dự thi môn Lịch sử, nhưng hy vọng tăng hơn năm trước là khá mong manh (2015 tỷ lệ 15,3%). Đây là sự thật hiển nhiên và nó cảnh báo về bức tranh đào tạo khối ngành KHXH-NV tiếp tục thu hẹp quy mô, khó tuyển sinh.

Thí sinh Phạm Khánh Linh thi môn Sử một mình tại Hội đồng thi trường Quang Trung-Hà Nội năm 2014. ẢNH: LÃ ANH



Giải thích cho tình trạng này, hầu hết các chuyên gia tập trung vào các nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất là do các ngành KHXH-NV ngày càng kém thu hút được nhân lực vì tìm việc khó khăn, lương thấp… Thứ hai, việc giảng dạy các môn khoa học xã hội ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn học sinh khiến học sinh quay lưng với môn học và lẽ dĩ nhiên các em sẽ không chọn các ngành thuộc khối C. Tại bậc đại học, nội dung tài liệu và sách giáo khoa của các ngành KHXH-NV vốn đa số rất cũ kỹ, thiếu cập nhật. Các tài liệu này thường chỉ chấp nhận quan điểm được xem là chính thống, nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, rất hiếm thấy cái nhìn đa chiều, không được nêu những vấn đề gây tranh luận và hoàn toàn không xuất hiện những quan điểm trái chiều. Về hình thức, các tài liệu đa số được trình bày khô khan dày đặc chữ, ít chú trọng đến khía cạnh thẩm mỹ, rất ít hình ảnh và màu sắc. Hầu như tất cả các tài liệu và sách giáo khoa ấy không bao giờ có các đĩa CD-ROM hoặc trang web hỗ trợ kèm theo, mặc dù đó là chuẩn mực xuất bản của sách giáo khoa trên thế giới hiện nay, vì vậy không tạo hứng thú cho sinh viên theo học.

Về giảng dạy ở bậc đại học, nhìn chung các lớp học hiện nay vẫn đang được giảng dạy theo phương pháp truyền thống, nghĩa là vẫn sách giáo khoa hoặc tài liệu chính thức của nhà trường in sẵn trên giấy, vẫn thầy đọc trò chép hoặc thầy nói - chiếu (powerpoint), còn trò thì vẫn chép và phương thức duy nhất là gặp mặt trực tiếp trên giảng đường, nơi tương tác thầy trò chủ yếu một chiều (từ thầy đến trò), nơi sự tranh luận giữa các học viên trong cùng một lớp về những vấn đề chuyên môn là vô cùng hạn hữu và đừng nói đến việc giao lưu với bạn bè cùng ngành trong cả nước hoặc trên thế giới…

Để người học đến với các ngành này, cần xác định rõ vai trò của KHXH-NV đối với đất nước. KHXH-NV không chỉ có chức năng minh họa chính sách như lâu nay mà xa hơn chính là hoạch định chính sách, định hướng chính sách đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới tư duy về vai trò của KHXH-NV trong các cấp quản lý, cũng như nhận thức của phụ huynh và thí sinh thông qua công tác hướng nghiệp. Cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, tuyển sinh; viết những bộ giáo trình có tầm quốc gia, có chất  lượng; đẩy mạnh học ngoại ngữ, chú ý tiếng Anh để hội nhập quốc tế tốt hơn… Cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và phải sử dụng họ hiệu quả nhất.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KHXH-NV là nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Có biện pháp để khôi phục các ngành KHXH-NV là một việc làm cần thiết, thậm chí khẩn cấp, để bảo đảm sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và sự phát triển cân bằng, bền vững của toàn xã hội.

TRỊNH THỊ HIỀN

Tin cùng chuyên mục